Một đĩa cơm nóng

Chicken soup for the soul tập 3 – Phần 3

Chicken soup for the soul tập 3 – Phần 3 với những câu chuyện truyền cảm hứng rất hay và mọi người sẽ không thể quên những bài học của nó

Chicken soup for the soul tập 1 – Phần 3
Chicken soup for the soul tập 2 – Phần 3

Khi tình yêu đủ lớn

Hiện giờ mẹ tôi không còn trò chuyện với cha được nữa. Bà đã không thể chuyện trò với cha từ năm năm nay. Nhưng cha tôi thật sự biết ơn vì điều đó.

Lần cuối cùng cha mẹ nói chuyện với nhau, tôi đã khóc. Dù không nghe được lời nào nhưng tôi vẫn cảm nhận được nội dung trao đổi giữa họ qua những tiếng thì thầm của hai người.

Khi tình yêu đủ lớn

Bóng của cha mẹ hắt qua ánh đèn cửa sổ in mãi xuống phía cuối căn phòng. Cha choàng người qua chiếc xe đẩy của mẹ, ấn nhẹ trán của mình vào trán mẹ. Từ “phẫu thuật” treo trên những cánh cửa phía sau lưng họ tạo thành chủ đề cho bức tranh mà họ đang vẽ nên. Đôi bàn tay đan xen vào nhau như thể họ tin rằng mình đang ghì chặt trái tim của nhau. Họ khát khao như lần đầu tiên được gặp nhau và họ cũng tuyệt vọng như hai người yêu nhau đang bị buộc phải xa rời nhau.

Giờ đây họ buộc phải phân định rõ ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Họ đã cùng nhau đưa ra quyết định: phải phẫu thuật hoặc chờ chết… hay phẫu thuật và chấp nhận rủi ro. Hai con người ấy đã sống vì nhau và hiện diện trong giấc mơ của nhau suốt bốn mươi năm qua. Làm sao họ có thể chịu đựng được cảnh phải mất nhau như thế.

Mẹ tôi đột nhiên mắc chứng bệnh nghẽn mạch máu não. Căn bệnh làm cho sức khỏe của mẹ ngày càng sa sút và bác sĩ bảo rằng, cuộc sống của mẹ chỉ có thể kéo dài được thêm ba năm nữa thôi. Bác sĩ còn nói, mẹ sẽ sống lâu hơn nếu được làm phẫu thuật ngay lúc này. Trước đó, trong số mười hai người đã dũng cảm tiến hành phẫu thuật thì chỉ có ba ca là thành công mà thôi.

Tôi hồi hộp chờ xem quyết định cuối cùng của cha và mẹ. Mẹ muốn được phẫu thuật để tiếp tục sống. Mẹ quyết tâm chiến đấu với căn bệnh đến cùng mới thôi!

Chúng tôi biết mẹ của mình rất dũng cảm. Ngày hôm sau, ba chị em tôi xúm lại quanh giường bệnh của mẹ, chứng kiến cảnh mẹ đau đớn và cảm thấy thời gian như đang muốn chia lìa mẹ con chúng tôi. Chúng tôi mỉm cười với mẹ rồi chầm chậm rời khỏi phòng, lòng hy vọng lời chúc ngủ ngon vừa rồi sẽ không phải là lời chào vĩnh biệt.

Đêm ấy, cha tôi ở lại trông nom mẹ. Chúng tôi đau lòng khi phải rời xa cha đêm hôm đó và càng đau lòng hơn khi nghĩ rằng cha chỉ có một mình ngồi nhìn mẹ mê man, chờ đợi cái chết đang đến gần. Nhưng cha nói với chúng tôi rằng cha không hề cô đơn, ít ra là trong đêm nay, bởi vì cha còn có tình yêu của mẹ.

Sáng. Chúng tôi tề tựu lại cầu nguyện cho mẹ. Chúng tôi hôn nhẹ lên trán mẹ, và lặng lẽ theo sau xe đẩy của mẹ cho đến khi người ta thông báo là chỉ có một trong số chúng tôi được đi theo mẹ mà thôi.

Cha vẫn tiếp tục đi bên mẹ như trước giờ vẫn thế. Hai người đã đi bên nhau, cùng nhau chống chọi với mọi hiểm nguy. Mẹ tôi mồ côi từ nhỏ, phải lang thang khắp nơi để kiếm miếng ăn. Cha là con út trong một gia đình nghèo khổ có đến chín người con. Họ đã tìm thấy nhau và chở che cho nhau trong một gia đình hạnh phúc.

Chúng tôi là những đứa con được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương của ngôi nhà hạnh phúc ấy. Chúng tôi được cha mẹ ban cho những thứ mà thời thơ ấu họ chưa một lần được tận hưởng: sự bình yên, sự dưỡng dục và những lời khuyên dạy về đạo lý làm người.

Chúng tôi biết rằng chúng tôi là kết quả của mối tình tuyệt đẹp giữa cha và mẹ, nhưng tình yêu ấy khác với tình thương yêu cha mẹ dành cho chúng tôi.

Tôi thấy cha hôn mẹ, một nụ hôn giã biệt. Mẹ được đẩy qua cửa, một mình. Còn cha đứng quay lưng về phía tôi, đặt tay lên cửa, cầu nguyện cho người phụ nữ cha yêu có thêm tình yêu, sức mạnh và niềm hy vọng.

Cha quay lại và chầm chậm đi về phía tôi. Ánh nắng ban mai phủ nhẹ trên khuôn mặt mệt mỏi của cha. Chính lúc ấy, tôi nhận ra tình yêu của cha dành cho mẹ sâu đậm biết chừng nào.

Đó là một tình yêu của sự hy sinh đến quên mình. Một tình yêu vĩ đại đến độ ông sẵn sàng chịu đựng nỗi đau mất một người mà ông rất đỗi yêu thương để một mình bước tiếp con đường còn lại và nuôi dưỡng những đứa con.

Chúng tôi khuyên can đến mấy cũng không thể ngăn cha từ bỏ việc tiếp tục một mình chờ đợi mẹ tỉnh dậy sau cơn hôn mê kéo dài đã hai tuần. Đó là một chuỗi những ngày dài chúng tôi chờ đợi trong thấp thỏm,å hoài nghi, lo âu và cả hy vọng mẹ sớm bình phục.

Cuối cùng, mẹ đã chiến thắng trong cuộc chiến đấu giành lại sự sống đó, nhưng mẹ đã không thể nói được nữa. Năm năm nay, mẹ không thể trò chuyện với cha như trước nữa. Nhưng thật sự, cha đã biết ơn vì điều đó biết bao.

– Cynthia M. Hamond

 


Toa tàu màu đỏ

Cho đến hôm nay, Gayle, bạn tôi, đã “sống chung” với căn bệnh ung thư được gần bốn năm, và đáng buồn thay, bệnh tình của cô ấy ngày càng nghiêm trọng hơn trước. Trong một lần trò chuyện với nhau, Gayle đã thổ lộ rằng một trong những ước mơ thầm kín nhất từ thời thơ ấu của cô là có được một toa tàu nhỏ màu đỏ. Khi còn bé, cô bạn của tôi chưa bao giờ thực hiện được ước mơ đó vì cô ấy tin rằng nếu ai đó nói lên điều ước lớn nhất của mình vào ngày sinh nhật thì mơ ước đó sẽ không thể trở thành sự thật. Vậy mà, cứ vào mỗi lần sinh nhật, vì vui mừng quá nên Gayle lại quên khuấy đi điều đó. Thế là mãi cho đến giờ, cô bạn của tôi vẫn chưa có được một toa tàu màu đỏ nào.

Toa tàu màu đỏ

Một ngày nọ, khi đang đứng ở một quầy bán kem nhỏ, tôi bất chợt nhìn thấy một trong số những giải thưởng của đợt rút thăm hàng tuần là mô hình thu nhỏ của một đoàn tàu màu đỏ, trông chúng mới đẹp và sống động làm sao. “Mình có thể giúp được Gayle rồi!” tôi mừng rỡ reo thầm trong bụng.

Kể từ đó, tôi bắt đầu thích ăn kem. Cứ mỗi lần mua kem ở quầy hàng này là tôi lại có cơ hội điền vào một lá phiếu rút thăm trúng thưởng. Các đợt rút thăm sẽ được tổ chức vào sáng Chủ nhật hàng tuần. Sau nhiều tuần kiên nhẫn chờ đợi những buổi sáng Chủ nhật và phải tốn không ít tiền tiết kiệm để mua rất nhiều kem, tôi vẫn chưa trúng thưởng được một lần nào cả.

Thế là tôi quyết định lấy hết can đảm đến hỏi người chủ quầy kem xem liệu tôi có thể mua được một toa trong đoàn tàu đỏ đó hay không. Tôi lân la đến bên tủ kính của quầy hàng, bắt chuyện với ông chủ vốn đã quá quen mặt với tôi. Tôi bắt đầu kể cho ông ấy nghe câu chuyện của bạn mình, rằng tôi muốn mua một toa trong đoàn tàu màu đỏ của ông. Khi nói chuyện với người chủ tiệm kem, tôi thấy cổ họng mình như nghẹn lại và nước mắt chợt tuôn trào. Cuối cùng, chẳng biết thế nào tôi lại thuyết phục được ông ấy bán cho tôi một toa tàu. Thật ra, mô hình đoàn tàu đỏ rất dài, lấy đi một toa nhỏ cũng chẳng sao. Tôi vét hết số tiền còn lại trong túi đưa cho ông chủ tiệm kem, rồi vui mừng nhận lấy “món hàng” vừa mới thương lượng thành công và mang về nhà. Ngày hôm sau, toa tàu đỏ đến tay Gayle và đối với cô, việc làm của tôi đã giúp cô biến ước mơ thành sự thật. Ngay sau ngày đặc biệt đó, tôi nhận được một lá thư có nội dung như sau:

Bonnie thân mến!

Bất cứ khi nào người ta cũng có thể san sẻ lòng tốt cho nhau mà không cần phải do dự điều gì cả. Cha và mẹ của chú vừa mới mất cách nhau chỉ trong sáu tháng, cũng vì căn bệnh ung thư. Chú đã chăm sóc cha mẹ mình nhưng có lẽ chú đã không thể thực hiện điều đó nếu không có tình thương và lòng hảo tâm của bạn bè – những người bạn rất tốt.

Chúc cháu và bạn của cháu mọi điều tốt lành.

Đó là lá thư của người chủ tiệm kem. Gửi kèm trong thư là toàn bộ số tiền mà tôi đã đưa cho ông ấy mấy ngày trước đây.

– Nonna Bonita L. Anticola

Vượt qua trở ngại

Với tôi, hạnh phúc là khi làm được những điều không thể!

– Walt Disney

Khát vọng của một người mù

Charlie Boswell luôn là một trong những người hùng của tôi. Ông ấy đã động viên tôi cũng như hàng ngàn người khác vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt và sống với niềm đam mê đích thực của mình. Charlie đã bị mù trong Thế chiến thứ hai khi ông xả thân cứu một người bạn của mình khỏi chiếc xe tăng đang bốc cháy. Trước khi tai nạn này xảy ra, ông từng là một vận động viên tài ba. Với tính cách của một người có năng khiếu về thể thao và một quyết tâm vượt lên số phận, ông quyết định thử sức mình trong một môn thể thao hoàn toàn mới, bộ môn mà ông chưa bao giờ nghĩ rằng đến một lúc nào đó mình sẽ chơi, thậm chí cả khi mắt ông còn sáng, đó là môn… đánh gôn!

Khát vọng của một người mù

Với lòng quyết tâm cao độ và một tình yêu mãnh liệt dành cho thể thao, ông đã làm nên một điều kỳ diệu – trở thành nhà vô địch quốc gia trong bộ môn đánh gôn dành cho người mù. Hơn nữa, ông đã 13 lần giành được danh hiệu này. Ít ai biết được rằng, một trong những người hùng mà ông hết mực tôn thờ chính là gôn thủ tài ba Ben Hogan, vì thế việc nhận được giải thưởng Ben Hogan cao quý vào năm 1958 là một niềm vinh dự lớn lao đối với Charlie.

Lần đầu được gặp Ben Hogan, Charlie đã tỏ ra rất kính nể tài năng của

Hogan và bộc lộ niềm ao ước được chơi một ván gôn với ngài Ben Hogan tài ba này.

Hogan cũng bày tỏ niềm vinh dự được cùng chơi với Charlie, vì ông đã được nghe nói nhiều về tất cả những thành tích của Charlie. Hogan bảo rằng, ông thật sự ngưỡng mộ tài năng của Charlie – một người có ý chí bằng thép.

“Ông có muốn đánh cược tiền không, thưa ông Hogan?” Charlie buột miệng hỏi khi đang nói chuyện với Hogan.

“Tôi không thể cược tiền với ông được, như vậy là không công bằng!” Hogan trả lời ngay.

“Ồ, không sao đâu, ông Hogan à, 1.000 đô la một lỗ nhé!”

“Không được đâu, mọi người sẽ nghĩ như thế nào về tôi, lợi dụng ông và hoàn cảnh của ông ư?” tay gôn danh tiếng đáp lời Charlie mà không khỏi ngạc nhiên trước lời đề nghị khá hấp dẫn này.

“Ông sợ thua sao, ông Hogan?”

“Thôi được,” Hogan đành chấp nhận, tỏ vẻ chịu thua trước thái độ quá cương quyết của Charlie, “nhưng tôi sẽ chơi hết mình đấy!”.

“Đó là điều tôi đang trông đợi mà,” Boswell mỉm cười nói với Hogan.

“Tôi hoàn toàn đồng ý, ông Boswell à, vậy thì ông chọn thời gian và địa điểm đi!”

Ngài Boswell đáp lại, vô cùng tự tin “10 giờ… tối nay nhé!”

– John Kanary

Mệnh lệnh đặc biệt

Nỗi kinh hoàng bóp chặt trái tim người lính tham gia cuộc chiến trong Thế chiến thứ nhất khi anh tận mắt chứng kiến người bạn thân thiết nhất của mình ngã xuống trong trận chiến ác liệt. Bị mắc kẹt trong đường hào dưới làn lửa đạn vun vút trên đầu, người lính ấy hỏi đại úy của mình xem liệu anh có được phép chạy vào vùng “Vành đai trắng” giữa hai chiến hào để mang xác người đồng đội của mình về hay không.

“Anh có thể đi,” người đại úy nói, “nhưng tôi nghĩ không đáng phải làm như vậy. Bạn của anh chắc chắn đã hy sinh và anh có thể cũng sẽ bỏ mạng đấy.” Thế nhưng, những lời lẽ đó chẳng mảy may tác động gì đến người lính, và anh vẫn cứ lao đi.

Mệnh lệnh đặc biệt

Thật lạ thường, anh đã xoay xở đến được bên người bạn của mình, nhấc bạn lên vai, và mang anh ấy quay trở về chiến hào của đại đội. Khi cả hai cùng ngã nhào xuống lòng chiến hào, viên chỉ huy đã có mặt để xem xét người lính bị thương, rồi ông ân cần nhìn bạn của anh ta. “Tôi đã nói với anh là làm như vậy không đáng mà,” ông nói với người lính đang rên xiết vì vết thương chảy máu quá nhiều. “Anh thấy không, bạn của anh đã hy sinh, còn vết thương này có thể làm nguy hiểm đến tính mạng của anh đấy.”

“Thưa đại úy, nhưng như vậy cũng đáng lắm chứ!” người lính trả lời.

“Anh nói ‘đáng’ nghĩa là sao?” đại úy lắc đầu hỏi lại. “Cậu ấy hy sinh rồi mà!”

“Vâng, thưa đại úy” anh lính binh nhì trả lời. “Điều đó rất đáng làm vì khi tôi đến nơi, anh ấy vẫn còn thoi thóp, và tôi đã rất thỏa nguyện khi nghe anh ấy nói rằng, ‘Jim, tớ biết thế nào cậu cũng đến mà.”’

– Theo This Little Light Of Mine

Một người bạn đích thực là điều hạnh phúc lớn nhất và là điều ta ít tốn công suy nghĩ nhất để có được.

– Francois, Duc de La Rochefoucald

Từ một hũ mứt

Câu chuyện xảy ra vào năm 1933. Tôi bị buộc phải từ bỏ công việc bán thời gian của mình và không thể tiếp tục phụ tiền ăn cho gia đình được nữa. Nguồn thu nhập duy nhất còn lại trong nhà bây giờ là từ công việc khâu vá của mẹ. Nhưng rồi mẹ tôi lại ngã bệnh trong vài tuần liền và không thể làm việc được. Công ty điện đã đến cắt điện vì chúng tôi không có khả năng chi trả hóa đơn cho họ. Đến lượt công ty gas ngưng cung cấp gas cho gia đình chúng tôi. Rồi đến công ty nước cũng vậy. Nhưng may thay, phòng Y tế đã buộc họ cấp nước trở lại cho chúng tôi vì lý do vệ sinh chung. Chạn thức ăn trong nhà tôi lúc nào cũng trống không. Chúng tôi có một vườn rau do cả nhà ra sức vun trồng từ trước, nên có thể hái vài thứ để nấu ăn qua bữa bằng bếp lửa nhóm ở sân sau.

Từ một hũ mứt

Một ngày nọ, đứa em của tôi đi học về, nhảy chân sáo vào nhà và nói với mẹ: “Cô giáo bảo tụi con rằng ngày mai mỗi đứa đem theo một cái gì đó vào trường để tặng cho người nghèo”.

Mẹ buột miệng: “Mẹ không biết là còn có ai nghèo hơn chúng ta nữa hay không, con ạ”. Bà ngoại tôi, lúc đó đang sống cùng với gia đình, lắc nhẹ tay mẹ và cau mày bảo mẹ tôi im lặng.

“Này Eva,” bà nói, “nếu con truyền cho con của mình tư tưởng nó là đứa nghèo khổ khi nó mới ở tuổi này, thì nó sẽ nghèo khổ suốt cả cuộc đời đấy con ạ! Vẫn còn một hũ mứt mẹ làm để dành hôm nọ. Con bé có thể đem nó đến trường.”

Nói rồi, bà ngoại tôi nhanh chóng đi tìm mấy cái khăn giấy, thêm cả một đoạn ruy băng ngắn màu hồng mà ngoại nhặt được đã lâu. Sau đó, bà gói hũ mứt cuối cùng của nhà chúng tôi lại bằng tất cả những vật liệu vừa kiếm được.

Ngày hôm sau, Sis tung tăng đến trường, lòng rất đỗi tự hào cầm theo “món quà gửi tặng người nghèo” mà bà ngoại đã đích thân chuẩn bị. Kể từ đó trở đi, hễ có vấn đề gì của cộng đồng, em tôi đều cho rằng nó đương nhiên phải có nghĩa vụ đóng góp một phần để cùng những người khác giải quyết vấn đề ấy.

– Edgar Bledsoe

Người biết mang ơn người khác vì những điều dù là nhỏ nhặt chính là người đáng được tri ân nhiều hơn.

 
– Frank Clark
Cảm ơn đã đọc rất vui khi các bạn chia sẽ bài viết cho mọi người xem

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *