Xem các tập trước Chicken sopr for the soul phần 4.
Không gì có thể ngăn bước anh ấy
Sau một trận bỏng nặng ở cả hai chân khi mới lên năm, Glenn Cunningham được các bác sĩ chẩn đoán rằng trường hợp của cậu là vô phương cứu chữa. Họ cho rằng cậu bé sẽ bị tàn tật và suốt đời phải ngồi xe lăn. “Cậu bé sẽ không bao giờ có thể đi lại được nữa,” họ khẳng định. “Không còn cơ hội nào nữa.”
Các bác sĩ kiểm tra đôi chân của Glenn Cunningham, nhưng họ không thể hiểu được con người cậu. Cậu bé chẳng tin vào lời các bác sĩ, vẫn một mực bắt đầu tập đi trở lại. Nằm trên giường, với đôi chân đỏ ửng đầy những vết sẹo chưa kéo da non, Glenn nguyện rằng: “Tuần tới, mình sẽ bước xuống giường. Mình sẽ đi được”. Và Glenn đã làm được.
Mẹ cậu bé kể lại những lần bà vén màn nhìn ra cửa sổ, thấy cảnh Glenn rướn tay lên nắm lấy cái cày cũ kỹ trong vườn. Nắm lấy tay cầm của nó, cậu bé bắt đầu cuộc đấu tranh buộc đôi chân xương xẩu vặn vẹo của mình phải hoạt động. Mỗi bước đi của cậu là một bước đau, mặt cậu bé liên tục nhăn lại, mồ hôi túa ra như tắm. Nhưng cậu bé vẫn kiên định. Dần dần cậu đã có thể đi từng bước ngắn, và chẳng bao lâu sau, cậu gần như có thể đi lại bình thường. Như một phép lạ, cậu đã chạy được. Khi cậu bé bắt đầu chạy được trên đôi chân chằng chịt sẹo bỏng của mình, cậu lại càng tỏ rõ quyết tâm hơn.
“Lúc nào tôi cũng tin là mình có thể đi được, và tôi đã làm như vậy. Còn bây giờ tôi đang cố gắng để có thể chạy nhanh hơn bất kỳ người nào khác.” Và cậu bé đã chứng minh rằng cậu có thể thực hiện những điều mình nói.
Cậu bé ngày ấy đã trở thành một nhà vô địch môn điền kinh đường trường cự ly 1 dặm khi lập kỷ lục thế giới trong thời gian chỉ có 4 phút 6 giây vào năm 1934. Anh đã được trao tặng bằng khen danh dự dành cho vận động viên tiêu biểu nhất thế kỷ ở quảng trường danh tiếng Madison.
Có thể bạn sẽ thất vọng nếu thất bại, Nhưng bạn chỉ thực sự thất bại khi bạn thôi không còn cố gắng nữa.
Những phẩm chất để tồn tại
Cách đây vài năm, tôi bị giam trong một xà lim chật hẹp ở cách xa quê hương mình hàng ngàn dặm. Với thân phận của một tù binh chiến tranh, tôi bị tra tấn, làm nhục, bị bỏ đói và bị giam đến chết dần chết mòn ở một nơi tận cùng của tối tăm và dơ bẩn ròng rã suốt sáu năm trời.
Điều quan trọng là trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, bạn vẫn có thể hình dung ra một bức tranh tinh thần sống động của thực tại nơi này. Phải cố gắng lắm tôi mới chịu đựng được mùi tanh hôi xú uế của cái xô nhỏ mà tôi gọi là nhà vệ sinh của mình, và nếm cái vị mặn chát của những giọt mồ hôi, của nước mắt hòa với máu chảy xuống nơi khóe miệng. Và còn cả cái nóng như thiêu như đốt của vùng nhiệt đới cứ hầm hập suốt cả ngày trong căn nhà tù lợp mái tôn. Chắc chắn là bạn sẽ không thể cảm nhận hết những sự chịu đựng đó, trừ khi bạn cũng từng là một tù nhân chiến tranh.
Nếu những gì tôi vừa kể có ảnh hưởng sâu sắc đến bạn, bạn sẽ nhận thấy rằng những thử thách mà bạn phải đối mặt khi là một thanh thiếu niên, một học sinh, một người lãnh đạo, một người cha người mẹ, về mặt cơ bản nào đó tương tự như những thử thách mà tôi đã đối mặt nơi nhà tù tăm tối và đầy bất trắc này; đó chính là cảm giác sợ hãi, nỗi cô đơn, sự thất bại, và cảm giác không thể chia sẻ cùng ai. Quan trọng hơn, phản ứng của bạn trước những thử thách ấy sẽ rất giống với những phản ứng mà tôi đã có nơi trại giam này
– tất cả chỉ vì một mục đích tưởng chừng như rất bình thường, đó là được tồn tại.
Bạn phải có những phẩm chất gì cho phép mình sẽ sống sót nơi trại giam? Hãy tạm ngưng tại đây một lát, suy nghĩ về câu hỏi này, và viết ra bên lề của trang giấy này ít nhất năm phẩm chất khác nhau cần thiết cho sự tồn tại. (Nếu những điều bạn viết là niềm tin, sự tận tụy, hay sự cống hiến, nghĩa là bạn đã giải được mật mã cho câu trả lời rồi đấy.)
Khi đã sống được theo cách của mình trong những tháng đầu tiên, rồi nhiều năm tiếp theo trong chốn lao tù, tôi nhận ra rằng trước đây chính cha mẹ tôi, những nhà truyền giáo, những người lãnh đạo trẻ tuổi, và những người thầy đã trang bị cho tôi những công cụ nền tảng để có thể tồn tại trong cuộc sống này. Những kỹ năng đã cứu tôi trong cuộc sống lao tù đó có liên quan đến hệ giá trị mà tôi có được: đó là sự chính trực, và đức tin vào tôn giáo, ý nghĩa hơn nhiều so với bất kỳ những gì tôi đã học được từ trường lớp.
Những gì tôi nói có phần nào giống với cuộc sống của bạn không? Có thể bạn sẽ gục ngã trước những nghịch cảnh mà bạn đang phải đối mặt, cũng giống như tôi, đáng lẽ đã không thể vượt qua sáu năm ròng rã khổ ải trong nhà tù. Còn bây giờ, chúng ta hãy làm một cuộc thử nghiệm: đến một lúc nào đó, khi bạn gặp phải một vấn đề lớn lao, hãy mở lại trang sách này và đọc, nhưng không phải đọc bài viết của tôi, mà đọc những gì bạn đã có lần viết bên lề trang sách. Bạn sẽ nhận thấy cũng những phẩm chất mà bạn đã ghi lại nơi đây, chẳng những rất hữu ích khi bạn không may phải sống cảnh tù đày lao ngục như tôi năm ấy, mà chắc chắn sẽ còn hữu ích hơn nữa khi bạn gặp phải những trở ngại trong cuộc sống hàng ngày.
Hãy nhớ rằng mỗi người trong chúng ta đều đã từng một lần vấp ngã.
Đó là lý do tại sao chúng ta cảm thấy được an ủi khi cùng nắm tay nhau bước đi.
Lòng can đảm
Mùa hè năm 1991, vợ chồng tôi cùng nhau đi nghỉ mát ở Ireland. Như những du khách người Mỹ khác, lẽ dĩ nhiên là chúng tôi sẽ đến viếng thăm tòa lâu đài Blarney. Và theo thông lệ, bất cứ du khách nào khi đặt chân đến đây cũng sẽ hôn lên hòn đá Blarney – một hòn đá lớn nằm trên đỉnh núi cao chót vót – để cầu phúc cho mình. Đường tới chỗ hòn đá Blarney phải đi lên nhiều nấc thang hẹp.
Tôi mắc chứng sợ độ cao và tôi cảm thấy rất tù túng, vì thế, tôi bảo chồng mình cứ đi trước và sau đó cho tôi biết liệu tôi có thể lên đó được không. Khi chồng tôi quay lại để xem tôi thế nào, tôi vừa thở hổn hển vừa hỏi anh ấy: “Anh thấy thế nào? Liệu em có thể đi đến nơi không?”. Anh ấy chưa kịp trả lời thì chợt có hai cụ bà dáng người nhỏ bé bước đến chỗ tôi và nói: “Cô gái ơi, nếu chúng tôi đi được, thì cô cũng sẽ đi được thôi mà!”. Nhờ câu nói ấy, tôi đã cố gắng giữ vững bước chân, bỏ lại sau lưng chứng sợ độ cao và cứ thế đi tiếp để cuối cùng, tôi cùng chồng mình đã đặt chân lên đến đỉnh núi và cùng nhau hôn vào hòn đá thiêng Blarney.
Khoảng một tháng sau khi từ Ireland trở về, tôi phát hiện ra một sự thật kinh hoàng – mình bị ung thư vú. Tôi cần được áp dụng hóa trị liệu càng sớm càng tốt để ngăn không cho các tế bào ung thư lan rộng. Bác sĩ buộc phải nói với tôi tất cả những khả năng, dù là xấu nhất, có thể xảy ra từ việc điều trị này. Ông ấy nói rằng tôi có thể bị rụng tóc, tôi có thể bị đau dạ dày dữ dội, tôi có thể bị tiêu chảy nặng, tôi có thể bị sốt cao, quai hàm tôi có thể bị cứng lại, và còn rất nhiều điều đau đớn khác nữa. Rồi ông ấy hỏi tôi: “Cô đã sẵn sàng để bắt đầu được chưa?”.
“Ồ, tất nhiên rồi, tôi thực sự đã rất sẵn sàng để bắt đầu ngay lúc này, thưa bác sĩ!”
Trong khi tôi cùng chồng ngồi ở phòng chờ đến phiên lượt điều trị của mình, bất giác tôi cảm thấy vô cùng lo lắng và sợ hãi. Tôi quay sang anh và hỏi: “Anh nghĩ liệu em có thể thực hiện đợt hóa trị này không?”. Ngồi đối diện với chúng tôi lúc ấy là hai cụ bà dáng người nhỏ bé vừa hoàn tất đợt hóa trị của họ. Trông sắc diện của họ chẳng có gì là đau đớn cả. Lúc bấy giờ, chồng tôi mới nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi âu yếm bảo: “Em yêu, anh tin lần này cũng giống như lúc chúng ta ở lâu đài Blarney ấy! Nếu các cụ ấy làm được thì em cũng có thể làm được mà!”. Và thực sự, tôi đã làm được điều ấy!
Bạn có biết điều tuyệt vời nhất của lòng can đảm là gì không? Đó là nó luôn xuất hiện ngay khi chúng ta cần đến nó nhất!
Cống hiến cuối cùng
Cuối cùng thì Linda Birtish đã hiến tặng toàn bộ cơ thể mình. Linda là một
giáo viên rất nổi bật, cô nghĩ nếu có thời gian rảnh rỗi, cô sẽ năng vẽ những bức tranh tuyệt đẹp và sáng tác những bài thơ thật hay. Nhưng đến năm 28 tuổi, cô bắt đầu bị hành hạ bởi những cơn đau đầu dữ dội. Rồi một ngày nọ, bác sĩ phát hiện một khối u rất to ở trong não của cô. Họ bảo rằng cơ hội sống sót sau khi phẫu thuật chỉ khoảng hai phần trăm. Vì vậy, thay vì phải tiến hành phẫu thuật ngay, các bác sĩ quyết định trì hoãn thêm sáu tháng nữa.
Hơn ai hết, cô biết rõ mình có năng khiếu thiên bẩm về hội họa. Vì thế, trong thời gian sáu tháng chờ đợi cơ hội chiến thắng tử thần, cô lao vào làm thơ và vẽ tranh không mệt mỏi. Tất cả những bài thơ của cô, trừ duy nhất một bài, đều được đăng trên các tạp chí nổi tiếng. Tất cả các bức tranh của cô, trừ duy nhất một bức, đều được đem triển lãm và bán cho rất nhiều người tại một số phòng tranh danh tiếng. Cô gửi gắm vào những bức tranh có gam màu tươi sáng của mình một khát vọng sống mãnh liệt, và gieo vào những vần thơ một cách nhìn lạc quan, cho dù số phận có quay lưng lại với cô.
Sau sáu tháng dài chờ đợi, Linda cuối cùng cũng được phẫu thuật. Đêm trước ngày định mệnh ấy, cô quyết định sẽ cho đi tất cả những gì thuộc về mình. Cô viết một bản “di chúc” rằng nếu chết đi, cô xin được hiến tặng toàn bộ các bộ phận trên cơ thể mình cho bất kỳ ai đang cần chúng hơn cô.
Rủi thay, cuộc phẫu thuật thất bại. Thế là đôi mắt của cô được chuyển đến một ngân hàng mắt ở Bethesda, Maryland, và từ đó chuyển đến cấy ghép cho một bệnh nhân sống ở tận vùng phía Nam Carolina. Và một chàng thanh niên hai mươi tám tuổi mù lòa đã có thể nhìn thấy được. Người thanh niên và cả gia đình anh ấy đều rất đỗi vui mừng, anh gởi đến ngân hàng mắt một lá thư cảm ơn vì đã giúp anh được sáng mắt trở lại. Đó chỉ là lá thư cảm ơn thứ hai mà ngân hàng mắt nhận được sau khi đã cho đi hơn 30.000 đôi mắt!
Hơn thế nữa, chàng thanh niên nọ cũng muốn gửi lời cảm ơn đến gia đình của người đã hiến tặng anh đôi mắt. Anh nghĩ rằng họ phải là những người vĩ đại lắm mới có được người con sẵn sàng cho đi đôi mắt của mình. Các bác sĩ cho anh địa chỉ của gia đình Linda và anh quyết định bay ngay sang Stalen Island để gặp mặt bằng được những người đã ban ơn cho mình. Không hề báo trước cho gia đình Linda, anh dò tìm được địa chỉ của ngôi nhà, đến trước cửa và bấm chuông. Sau khi nghe anh thanh niên giới thiệu về mình và mục đích của anh trong chuyến đi này, bà Birtish xúc động dang đôi tay ôm chầm lấy anh thanh niên nọ và nói:
“Này chàng trai trẻ, nếu con chưa tìm thấy chỗ nào để nghỉ, vợ chồng ta rất vui mời con ở lại chơi cùng chúng ta vào dịp cuối tuần này, con nhé?”
Anh thanh niên rất vui được ở lại cùng gia đình họ. Khi bà Birtish dẫn anh tham quan căn phòng của Linda ngày trước, anh thấy một cuốn sách của triết gia Plato trên kệ sách của Linda. Anh cũng đọc Plato bằng chữ Braille (chữ nổi dành cho người khiếm thị). Rồi anh nhận ra cô gái ấy rất thích đọc Hegel và một lần nữa, anh cũng từng đọc Hegel bằng chữ Braille.
Buổi sáng hôm sau, bà Birtish nhìn anh thanh niên với vẻ dịu dàng và nói:
“Con trai ạ, ta chắc chắn là đã gặp con ở đâu đó trước đây rồi, nhưng ta lại không tài nào nhớ được.”
Rồi bà chợt nhớ ra điều gì đó. Bà chạy vội lên lầu và lấy ra bức tranh cuối cùng cũng là bức duy nhất mà Linda không bao giờ chịu bán đi khi cô ấy còn sống. Đấy chính là bức chân dung người đàn ông lý tưởng mà cô đã gặp trong những giấc mơ của mình.
Thật ngạc nhiên, khuôn mặt trong bức họa kia giống hệt với khuôn mặt người thanh niên đã nhận đôi mắt của Linda.
Sau đó, người mẹ của Linda đọc cho anh nghe một đoạn trong bài thơ cuối cùng mà cô đã viết trên giường bệnh:
Trong giấc mơ, có hai trái tim vô tình gặp gỡ Họ yêu nhau…
Nhưng mãi mãi trong cõi thực, họ sẽ không gặp nhau bao giờ.
Hãy thực hiện ngay hôm nay!
Jim, con trai của Polly, gặp khó khăn ở trường học. Cậu được xếp vào dạng học sinh không có khả năng học tập, điều này đòi hỏi sự quan tâm, kiên nhẫn từ phía nhà trường và gia đình. Nhưng Jim vẫn là một cậu bé vui vẻ với nụ cười vô cùng rạng rỡ. Cha mẹ cậu biết những khó khăn trong học tập của cậu nhưng vẫn luôn cố gắng giúp cậu nhận ra điểm mạnh của mình để cậu có thể sống kiêu hãnh. Không lâu sau khi Jim tốt nghiệp trung học, cậu qua đời trong một tai nạn giao thông. Sau cái chết của con mình, mẹ Jim đã gửi bức thư này cho một tờ báo.
Hôm nay, chúng tôi vừa chôn đứa con trai 20 tuổi của mình. Nó đã qua đời ngay sau khi bị một tai nạn giao thông vào tối thứ Sáu. Tôi ước gì mình đã có thể biết lần cuối cùng nói chuyện với con cũng là lần sau cuối. Nếu tôi biết được điều đó, tôi sẽ nói: “Jim, mẹ rất yêu con và rất tự hào về con!”.
Tôi sẽ dành thời gian để đếm vô số lời nguyện cầu mà nó đã mang đến cho những người rất đỗi yêu thương mình. Tôi sẽ dành thời gian để tận hưởng nụ cười rất đẹp của con, cùng âm thanh của tiếng cười ấy, cũng như tình yêu chân thành mà con dành cho mọi người.
Tôi sẽ không còn cơ hội nào khác để nói với con tất cả những gì mà tôi muốn nó nghe, nhưng các bạn, những bậc phụ huynh khác, vẫn còn cơ hội. Hãy nói với con mình tất cả những gì bạn muốn chúng nghe nếu bạn hiểu rằng đó có thể là lần cuối cùng được trò chuyện cùng con. Lần cuối cùng tôi nói chuyện với Jim là vào ngày mà nó ra đi. Nó đã gọi cho tôi và nói rằng: “Chào mẹ! Con chỉ gọi để nói rằng con thương mẹ nhiều lắm. Mẹ làm việc tiếp nhé! Con chào mẹ!”. Nó đã trao cho tôi điều gì đó mà tôi sẽ trân trọng suốt đời.
Nếu cái chết của Jim có mục đích nào đó, thì có lẽ mục đích ấy là giúp những người khác trân trọng cuộc sống này hơn, và nó cũng giúp mọi người, đặc biệt là những gia đình, dành thời gian để hiểu rằng chúng ta quan tâm và yêu thương nhau biết nhường nào.
Bạn có thể sẽ chẳng bao giờ có một cơ hội nào khác. Hãy làm việc đó ngay ngày hôm nay!