Chicken soup for the soul tập 3 – Phần 1, nhiều câu chuyện hay đang chờ người đọc và bình luận. Xem nhiều có nhiều bài học cho cuộc sống.
Chicken soup for the soul tập 1 – Phần 1
Chicken soup for the soul tập 2 – Phần 1
Trải nghiệm từ cuộc sống bình dị
Nếu thực sự quan tâm đến nhau, chúng ta sẽ không thể cảm thấy bình an trước nỗi đau của người khác, sẽ không thể ung dung tự tại khi người khác vẫn còn nhiều điều phải lo nghĩ, sẽ không thể thanh thản khi ai đó quanh ta đang gặp khó khăn.

Cách nhìn của mỗi người
Quẳng máy hút bụi vào nhà kho, tôi cố nén tiếng thở dài. Cả nửa ngày trời lo dọn dẹp nhà cửa mà tôi vẫn chưa chuẩn bị xong để đón tiếp những vị khách sắp đến chơi. Bốn đứa con nhỏ thi nhau chơi trò đuổi bắt, giày dép cùng với đồ chơi bừa bãi khắp nhà, những mẩu bánh vụn vung vãi trên tấm thảm mà chỉ mới đây thôi chưa hề có vết bẩn nào.

Rồi tôi nhìn sang cánh cửa trượt của phòng khách mới vừa được lau chùi hồi sáng sớm. Vô số dấu tay và dấu mũi nhỏ lốm đốm trên tấm kính vừa mới được lau chùi sạch sẽ. Trông chúng giống như là… Tôi cau mày và bước lại gần hơn, cúi xuống để nhìn cho rõ. Sao, đúng là nó rồi! Những vệt bơ đậu phộng và bánh quy Oreo bôi trét khắp nơi. Lại mấy đứa nhỏ! Nước mắt chực rơi, tôi ngồi phịch xuống đi-văng và chộp lấy cái điện thoại đang réo inh ỏi. “Alô!” tôi đáp lại bằng một giọng nghe chẳng có chút thiện cảm nào.
“Chào con yêu,” giọng mẹ tôi nhẹ nhàng, người cũng đang ngồi trên chiếc đi-văng cách tôi một tiểu bang. “Bận rộn lắm không con?”
“Ôi, mẹ không biết đâu!” tôi trả lời, với vẻ nghiêm trọng. “Chúng con đang chuẩn bị có khách, và con gần như không thể đảm đương hết những công việc dọn dẹp nhà cửa, còn bọn nhỏ thì cứ…”
“Nghe con nói mẹ mới nhớ,”mẹ tôi ngắt lời. “Mẹ còn một số việc cần phải làm . Ý mẹ nói là việc nhà ấy. Tấm kính phía trên cái đi-văng đã bị vấy bẩn. Nhưng, con biết không, mỗi lần mẹ nhìn thấy những vết dơ nhỏ đáng yêu mà các con của con đã để lại hồi tháng trước, mẹ lại không muốn chùi chúng chút nào. Thật ra, mẹ vẫn hay khoe với bạn bè rằng đó là ‘một tác phẩm nghệ thuật vô giá’!”
Tôi đưa mắt liếc nhìn khắp phòng. Chỗ này là một cái bánh quy đã bị ăn mất một nửa, chỗ kia là những chiếc vớ len, và trong góc là chồng truyện tranh nghiêng ngả. Tôi chợt mỉm cười. Căn phòng càng trở nên hoàn hảo với một kiệt tác được vẽ bằng tay trên những cánh cửa. Vô số hình họa. Không cái nào giống cái nào. Một tác phẩm nghệ thuật vô giá của riêng tôi.
Người dệt ước mơ
“Ba ơi, bàn thắng này con dành tặng ba đấy!” cậu bé Matthew Ryan Emrich chưa đầy chín tuổi hét to, vừa ngước nhìn bầu trời vừa chạy quanh sân với hai nắm tay giơ cao. Với tư cách là một thành viên thi đấu cho đội Little League, Matthew vừa mới đánh được một quả bóng ăn điểm trực tiếp đầu tiên – một thắng lợi cho “đội bóng trong mơ” của cậu.

Cha cậu, ông Mark, đã từng ước mong trở thành một cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp. Thế nhưng sau khi trải qua rất nhiều ca mổ, ông đã không bao giờ có thể theo đuổi ước mơ của mình được nữa – một ước mơ mà cha của ông, cụ Chet, đã truyền lại cho ông.
Dù vậy, Mark vẫn tiếp tục chơi cho các đội bóng ở địa phương và dạy cho bọn trẻ quanh xóm chơi bóng chày. Ngày 30 tháng 7 năm 1985, khi cậu bé Matthew chào đời, Mark tự hứa với lòng là ông sẽ chia sẻ ước mơ của mình với con trai. Năm Matthew lên bốn, có lần cậu bé đánh bóng bay sang tận nóc nhà hàng xóm.
Trang phục thi đấu của Matthew mang số 7 – cùng số với áo của cha cậu ngày xưa. Cậu bé rất vui vì được cha yêu thương, cũng như tự hào khi được tiếp nối truyền thống gia đình. Suy cho cùng thì bộ phim “Field of Dreams” không chỉ nói về bóng chày mà còn nói về tình cảm cha con và về sức mạnh của niềm tin!
Tiếc thay, Mark thất bại trong cuộc chiến cam go chống lại căn bệnh ung thư dù đã dũng cảm đương đầu với nó bằng một niềm tin mãnh liệt. Ông đã ra đi vĩnh viễn ở tuổi 33. Ngày Chủ nhật khi Mark qua đời, ông đồng ý vào bệnh viện “chỉ để được theo dõi”. Các bác sĩä hứa với ông rằng ông vẫn có thể xuất viện để kịp xem trận đấu đầu tiên của Matthew vào chiều thứ Hai.
Gia đình và bạn bè đều biết rằng Matthew sẽ vẫn chơi bóng vào ngày hôm sau – đúng như những gì cha cậu từng mơ ước. Cậu bé Matthew tin rằng những lời cậu từng hứa với mẹ Sherry, “Trái bóng đầu tiên mà con ghi điểm sẽ dành để tặng cha”, sẽ được cha cậu luôn hiện hữu đâu đó trên cao kia nghe thấy.
Chiến thắng của Matthew “có thể khiến người cha đang dõi theo cậu trên đám mây kia phải xúc động vì quá đỗi mừng vui”. Phải chăng lời nhận xét này đã đúc kết được những điều làm nên chiến thắng trong cuộc đời này cho tất cả chúng ta?
Hãy chuyển đến những người khác!
Mùa hè năm 1965, cả gia đình tôi cùng đoàn tụ trong một cuộc họp mặt gia đình tổ chức ở thành phố Plant, Florida. Mới 2 giờ sáng, bà đã đánh thức mọi người dậy, và bắt đầu cắt đặt cho con cháu chúng tôi chuẩn bị sẵn nhiều vỏ chai cocacola rỗng, nút chai và giấy trắng. Bà bảo: “Bà vừa nhận được một thông điệp của Thượng đế. Mọi người phải nghe những lời của Người.” Rồi bà bắt đầu viết những vần thơ lên các tờ giấy, trong khi đó lũ trẻ chúng tôi bỏ từng tờ vào và đậy nút chai lại.

Sáng hôm đó, chúng tôi lái xe ra bãi biển Cocoa và thả trôi hơn 200 chai thủy tinh theo những con sóng.
Nhiều năm trôi qua, nhiều người đã viết thư, gọi điện thoại và đến thăm viếng bà tôi, cảm ơn bà vì những dòng chữ thánh ấy. Bà mất vào tháng 11 năm 1974. Tháng 12 năm 1974, lá thư cuối cùng được gởi đến với những lời như sau:
Bà Gause kính mến!
Tôi viết lá thư này gửi đến bà trong ánh sáng của ngọn nến. Ở trang trại này, chúng tôi không còn được cung cấp điện nữa. Chồng tôi đã qua đời vào mùa thu. Anh ấy ra đi, bỏ lại tôi cùng với 11 đứa con. Tất cả chúng đều chưa đầy 14 tuổi.
Ngân hàng đang tịch biên tài sản của chúng tôi, chỉ còn lại duy nhất một ổ bánh mì, mà tuyết thì lại đang phủ đầy sân, Giáng sinh qua đi đã được hai tuần rồi. Tôi đã cầu nguyện xin Chúa tha thứ cho mình trước khi ra bờ sông để trầm mình tự vẫn. Mặt sông đã đóng băng suốt mấy tuần qua. Tôi phải phá vỡ lớp băng bề mặt, và tình cờ trông thấy một vỏ chai coca-cola đang nổi lềnh bềnh. Mở nắp chai ra, tay tôi run lên và mắt bỗng nhòa đi khi đọc những dòng chữ viết về niềm hy vọng.
“Luôn có những tia hy vọng dành cho những người may mắn được góp mặt trên cõi đời này, dù cuộc đời có bị vùi dập đến đâu đi chăng nữa.”
Bà còn gợi ý tham khảo ở những đoạn kinh khác: Hebrew 7:19, 6:18, John 3:3. Tôi trở về nhà và lấy quyển kinh thánh của mình ra đọc. Và giờ đây, tôi vô cùng cảm ơn Chúa vì những lời răn dạy ấy. Chúng tôi sẽ thực hiện theo những gì Ngài dạy. Xin hãy cầu nguyện cho chúng tôi và hãy biết rằng chúng tôi vẫn hoàn toàn bình an vô sự.
Chúa sẽ ban phước lành cho bà và những người thân của bà. Viết từ một trang trại ở Ohio
Một nụ cười
Người phụ nữ mỉm cười với một người hoàn toàn xa lạ có gương mặt đượm vẻ đau buồn.
Nụ cười như giúp ông thấy dễ chịu hơn.
Ông nhớ lại sự tử tế của một người bạn Đã giúp ông vượt qua những khó khăn

Và ông quyết định viết một lá thư để cảm ơn người bạn ấy. Người bạn rất vui khi nhận được lời cảm ơn chân thành
Nên để lại một món tiền boa hào phóng trên bàn sau bữa ăn trưa tại một nhà hàng.
Người hầu bàn ngạc nhiên với số tiền boa quá lớn
Nên đã đặt tất cả số tiền vào một cuộc cá cược để thử vận may. Ngày hôm sau, cô được tin mình thắng cược
Và trao ngay một phần tiền cho một người lang thang. Người đàn ông ấy đã vô cùng cảm kích
Bởi đã hai ngày ông chẳng có chút gì lót dạ. Sau bữa tối thịnh soạn với bánh mì, bơ và sữa Ông trở về căn nhà nhỏ tồi tàn
Nơi có nhiều người nghèo khó khác cùng trú ngụ.
(Lúc đó ông nào hay biết rằng ông sắp phải vật lộn với số phận của mình.)
Trên đường về, ông lão nhặt được một chú chó con đang co ro vì lạnh.
Ông mang nó về nhà để sưởi ấm. Chú chó nhỏ rất biết ơn ông
Vì chẳng còn phải lang thang đói khát ngoài trời đầy giông bão. Đêm đó, căn nhà bị phát hỏa
Chú chó nhỏ sủa vang ầm ĩ để báo động.
Nó cứ sủa mãi cho đến khi đánh thức được mọi người Tiếng sủa của nó đã cứu tất cả thoát khỏi tai ương.
Một trong những cậu bé được cứu sống hôm ấy
Khi lớn lên đã trở thành Tổng thống có tài cùng một trái tim nhân hậu.
Tất cả mọi điều ấy bắt nguồn từ một nụ cười bình dị Một nụ cười chẳng tốn một đồng xu.
Cơ hội thứ hai
Người ta nói rằng Thượng đế thường hành động theo những cách bí ẩn riêng của Người. Chàng trai James Hogan 16 tuổi không biết rằng sẽ có lúc Thượng Đế can dự vào cuộc đời của cậu. Vài tuần trước, James đã bỏ học để làm công việc giao nhận bánh pizza. Tất cả thầy cô của cậu trước đó và những người thuê cậu làm việc đều nhận xét James là một chàng trai hòa nhã, chịu khó, duy chỉ có điều là James dường như không thể vượt qua những áp lực tâm lý của tuổi mới lớn. Cuộc sống của cậu cứ thế trôi qua thật nhanh mà chẳng biết rồi sẽ về đâu, mặc cho người mẹ vẫn âm thầm cầu nguyện cho cậu.

Ngày ngày, James vẫn tận tụy chở những phần bánh pizza nóng hổi từ lò nướng giao cho khách hàng. Cho đến một hôm, trên đường đi giao bánh, cậu trông thấy phần đuôi của một chiếc Cadillac đang chìm. Chiếc xe đang chìm rất nhanh cùng với một cụ già còn kẹt lại bên trong. Không chút do dự, James lao mình xuống nước. Người bị kẹt bên trong chính là vị Cha cố đáng kính Max Kelly. Ông đã bất tỉnh. Khi đứng trên mui xe, James phát hiện thấy ô cửa kính phía sau dường như để mở. Thế là, cậu cố hết sức kéo Cha cố ra khỏi xe rồi đưa ông lên bờ.
Sau khi James cứu sống vị Cha cố đó, cảnh sát đề nghị đưa cậu về nhà. Nhưng James từ chối, bảo rằng mình còn phải lái xe đi giao bánh pizza. Vốn tính cẩn thận, James đã nhờ họ thông báo cho cửa hàng để chuyển lời đến những vị khách của cậu rằng bánh pizza sẽ đến hơi trễ và hơi nguội một chút.
Tháng 12 năm 1995, James Hogan được trao tặng huy chương Carnegie vì nghĩa cử anh hùng của mình, cùng với số tiền 2.500 đô la và một suất học bổng. James nói rằng, biến cố này đã làm thay đổi cuộc đời cậu.
Chỉ mới hai tuần trước sự kiện đó, cậu đã có lúc cầm lấy khẩu súng của cha để lại, chĩa vào đầu mình với ý định tìm đến cái chết. Nếu như lúc đó viên đạn không bị kẹt thì James đã không thể có mặt để cứu vị Cha cố rồi.
Những lời nguyện cầu của mẹ cậu đã được đáp lại. James quay trở lại trường, theo học các lớp phụ đạo để bắt kịp bạn bè và còn tham gia luyện tập trong đội bóng chày. Tình yêu thương tràn đầy và sự động viên to lớn của mọi người xung quanh đã đem đến cho cậu một ý nghĩa, một mục đích sống mới, và cả một cơ hội thứ hai thật xứng đáng.
Bạn sẽ không bao giờ biết được một việc làm tốt tưởng như rất đỗi bình thường sẽ mang lại niềm hạnh phúc như thế nào đâu.
– Bree Abel
Nỗi sợ và niềm tin
Tôi từng sống trong nỗi sợ hãi thường trực về việc phải mất đi những gì mình đang có, hay không bao giờ đạt được những gì mình ước ao.
Tôi sẽ ra sao nếu một ngày kia mái tóc của tôi không còn nữa?
Tôi sẽ thế nào nếu mãi mãi không thể mua nổi một căn nhà cho các con của mình?
Tôi sẽ trông thế nào nếu đánh mất đi dáng vẻ cân đối và không còn hấp dẫn như trước nữa?

Tôi sẽ ra sao nếu bị mất việc làm?
Tôi sẽ sống thế nào nếu bỗng nhiên bị tật nguyền và không thể cùng con chơi bóng?
Tôi sẽ thế nào nếu một mai trở nên già yếu và không thể giúp đỡ ai được nữa?
Nhưng Bà Mẹ Cuộc Sống vẫn luôn tận tình chỉ bảo cho những ai biết lắng nghe.
Và giờ thì tôi đã hiểu:
Nếu mất đi mái tóc, tôi sẽ là một anh chàng hói đầu tuyệt vời nhất, và tôi sẽ tự hào khi trí óc tôi vẫn nảy ra những ý tưởng tốt đẹp.
Một căn nhà rộng lớn không thể làm tôi hạnh phúc. Một con tim đau buồn không thể tìm thấy niềm vui giữa căn nhà rộng thênh thang, hay nguy nga tráng lệ. Tuy nhiên, một con tim tràn đầy niềm vui sống sẽ tô điểm cho mọi ngôi nhà trở thành nơi chốn hạnh phúc nhất.
Thay vì cứ chăm chăm lo lắng đến ngoại hình, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để vun đắp cho tâm hồn, tình cảm và lý trí của mình. Lúc đó, mỗi ngày trôi qua, tôi tin mình sẽ đẹp hơn.
Và nếu không thể làm việc vì chuyện lương bổng, tôi sẽ dành sức lực, niềm tin của mình để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, bởi những gì nhận lại sẽ giúp tôi trở nên giàu có hơn rất nhiều.
Nếu cơ thể không cho phép tôi dạy con ném một đường bóng hình vòng cung, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để dạy con ứng phó với những bài toán khó trong cuộc đời, và điều này sẽ giúp ích trẻ nhiều hơn.
Và nếu tuổi già có lấy đi của tôi sức khỏe, sự minh mẫn cùng độ dẻo bền của cơ thể, tôi sẽ dành tặng mọi người quanh tôi sức mạnh của niềm tin, lòng yêu thương sâu sắc và một tâm hồn kiên định đã được hun đúc bằng thời gian và vô vàn trải nghiệm.
Dù cho số phận có buộc tôi phải đối diện với những mất mát hay ước mơ bị tan vỡ, tôi vẫn sẽ luôn đối mặt với mọi thử thách bằng phẩm hạnh và lòng kiên định của mình. Bởi Thươnå g đê ë đã cho tôi rất nhiều ân huệ, và với mỗi điều mà tôi có thể sẽ đánh mất, tôi lại tìm thấy mười điều khác để học hỏi. Nhờ vậy, cuộc sống của tôi sẽ ngày càng phong phú hơn rất nhiều.
Và rồi, khi không còn khiêu vũ được nữa, tôi sẽ vui vẻ hát ca; khi không còn sức để hát, tôi sẽ huýt sáo trong niềm vui sướng, mãn nguyện; khi hơi thở trở nên yếu đi, tôi sẽ chăm chú lắng nghe và cất cao những giai điệu không lời của tình yêu từ sâu thẳm con tim; và khi ánh sáng thiên đường đến tiễn đưa linh hồn tôi, tôi sẽ lặng lẽ nguyện cầu cho đến khi không thể cầu nguyện được nữa.
Và đó là lúc tôi trở về với nguồn cội của mình. Vậy thì còn điều gì khiến tôi phải sợ hãi nữa đây?
Cuộc sống không có gì khiến ta phải sợ hãi. Cuộc sống chỉ là để ta tìm hiểu và khám phá.
– Marie Curie
Có lẽ Chúa muốn an bài như vậy!
Chưa bao giờ, tôi chưa bao giờ ngờ rằng sẽ có một ngày tôi mất đi hai đấng sinh thành cùng một lúc. Vậy mà, tôi lại nhận được một cú điện thoại báo tin cha mẹ mình đã qua đời trong một tai nạn xe hơi.

Tại sao cả hai lại bỏ tôi đi trong cùng một ngày như thế?! Tại sao điều đó lại xảy đến với tôi? Tại sao những người tốt như cha mẹ tôi lại phải chết? Tại sao? Tại sao? Tại sao? Và tại sao?
Tôi đáp chuyến bay kế tiếp đến Kentucky trong tâm trạng vô cùng bấn loạn, lòng ngổn ngang biết bao câu hỏi và sự hoài nghi. Khi tôi gặp hai người chị của mình, họ cũng rất hoảng loạn và hoàn toàn không tin nổi điều tệ hại đó lại có thể xảy đến với gia đình mình.
Tôi về nhà cha mẹ, và ở đó, trên cái giá kê cạnh chiếc ghế xích du mà cha tôi vẫn thích ngồi nhất, là món quà sinh nhật tôi đã gởi tặng cha. Trong ngôi nhà, linh hồn và hơi ấm của cha mẹ vẫn như còn phảng phất, vương vấn xung quanh tôi một cách bí ẩn lạ thường. Thật không thể nào tin được, tôi mới nói chuyện qua điện thoại với cha mẹ chỉ hai ngày trước đó thôi. Vậy mà giờ đây họ đã vĩnh viễn ra đi! Mãi mãi không quay trở lại!
Suốt bốn ngày đêm thức trắng, rất đông bạn bè và người thân đã đến viếng và chia buồn cùng gia đình chúng tôi. Những người bạn ngồi quanh quan tài, cùng nhắc lại những kỷ niệm êm đẹp về cha mẹ thân yêu của tôi lúc sinh thời. Trong đời mình, tôi chưa lúc nào cảm thấy hãnh diện về cha mẹ hơn lúc này. Nhưng điều giúp tôi thấu hiểu được sự ra đi của cha mẹ mình hơn bất cứ điều gì khác chính là lời nói chứa đựng sự tôn kính mà Đức cha Dewitt Furrow đã dành cho cha mẹ tôi:
“Có lẽ con đang tự hỏi tại sao cả cha lẫn mẹ mình lại cùng nhau đi đến thiên đàng như thế! Có lẽ họ muốn như vậy, bởi vì họ chưa bao giờ rời xa nhau, luôn tay trong tay, kề vai sát cánh và cùng yêu thương dìu bước bên nhau đi trên cõi đời này. Chúng ta sẽ thật ích kỷ nếu như muốn một trong hai người ở lại. Người ấy rồi cũng sẽ mòn mỏi chết trong nhung nhớ, sầu khổ mà thôi. Bây giờ, Chúa đã có được hai thiên thần, cùng sánh bước trên thiên đàng như họ đã từng như thế khi còn sống ở trần gian. Có lẽ Chúa muốn an bài như vậy!”
Trò chơi trốn tìm
Có bà lão đã già – thật già,
Và một cậu bé chỉ vừa mới lên ba; Hai bà cháu cùng chơi đùa với nhau Thật vui vẻ, thật đẹp, thật thanh bình.
Lẽ dĩ nhiên, bà lão không thể chạy nhảy được Và cậu bé cũng chẳng hơn gì;
Vì cậu, một đứa trẻ quá ốm yếu
Với một chân teo tóp, đi lại còn không dễ.

Hai bà cháu ngồi giữa bóng chiều chập choạng, Trước sân nhà dưới bóng một tán cây;
Và họ cùng chơi một trò thật dễ đoán, Câu chuyện cảm động giờ tôi kể ra đây.
Đó là trò Trốn Tìm quen thuộc, Nhưng ai sẽ có thể hình dung? Trò chơi ấy chỉ với hai bà cháu,
Bà đã thật già, còn cháu mới lên ba. Rồi cậu bé khom người cúi mặt xuống Ở bên đầu gối không bị thương,
Và rồi đoán nơi bà đang trốn, Với ba lần đoán Một, Hai, Ba!
“Bà đang trốn trong tủ kính, phải không?” Cậu bé kêu lên rồi cười vang sung sướng Nhưng chẳng phải trong tủ kính. Không sao, Vẫn còn lần đoán thứ Hai, Ba nữa.
“Bà đang ở phòng ngủ lớn của cha
Trong rương với chiếc chìa khóa cũ kỹ, lạ thường!” Bà khẽ bảo: “Cháu sắp đến gần ta
Nhưng vẫn chưa đúng lắm, cháu trai à!”
“Chắc không phải là chiếc tủ nhỏ Nơi đồ đạc mẹ thường cất, hở bà? Vậy chắc trong tủ áo rồi bà nhỉ!”
Và cậu bé tìm thấy bà trong lần đoán thứ Ba. Rồi sau đó bà dùng tay che mặt
Những ngón tay gầy, nhỏ, nhăn nheo, Bà sẽ tìm đứa cháu trai đang trốn, Cũng với ba lần đoán Một, Hai, Ba.
Hai bà cháu chẳng đi đâu xa cả, Ngoài nơi ấy, dưới tán cây sồi già Một bà lão thật già, thật đáng mến, Và đứa bé khập khiễng, mới lên ba.
Chuyện thường ngày
Kế hoạch của tôi khá đơn giản. Đó không phải là vẽ bản thiết kế cho một tòa nhà chọc trời, cũng không phải là những mục tiêu tài chính cho một hợp đồng kinh doanh quy mô nào đó. Tôi chỉ mong sao cho bốn đứa con của mình thay đồ và ăn uống cho nhanh. Sau đó, lái xe đưa chúng đến trường đúng giờ mà không gặp phải rủi ro nào.
Nhưng kế hoạch đó hầu như lúc nào cũng bị thất bại.

Mấy đứa con của tôi hình như nghĩ rằng cụm từ “nhanh lên” có nghĩa là “Mẹ đang cáu đấy”. Mỗi đứa đều có một kế hoạch riêng và cứ thay đổi xoành xoạch làm tôi rất bực mình.
Một ngày đẹp trời nọ, cậu con trai của tôi đang cố làm theo lời mẹ bằng cách tự mang giày, nhưng nó lại không tìm thấy đôi giày của mình ở đâu cả. Đứa nhỏ còn học mẫu giáo thì mải mê dùng ngón tay dính đầy si-rô lần theo những giọt nước mưa lăn dài trên cửa kính mới vừa lau ngày hôm qua. Đứa khác thì cứ chạy loanh quanh, nhìn mọi người đang vội vã. Còn đứa con út thì hầu như lúc nào tôi cũng phải thay tã cho nó khi mọi người đã yên vị trong xe và thậm chí khi xe đã nổ máy. Tôi nghĩ, có lẽ mình nên dạy con bé đi vệ sinh bằng tiếng nổ máy của xe thay vì bằng tiếng nước chảy quen thuộc trong phòng tắm.
Sau khi đưa hai đứa lớn đến trường, tôi lái xe đến cửa hàng tạp hóa gần đó cùng với hai đứa nhỏ, lạc quan rằng buổi sáng hôm nay có thể suôn sẻ hơn. Tôi mơ tưởng đến một chỗ đậu xe ở ngay phía trước cửa hàng, những cái túi nhựa đựng rau cải được chuẩn bị sẵn sàng, cảnh không phải đợi chờ ở quầy bán thức ăn ngon như thường lệ, đến cả việc có giảm giá ở quầy Crystal Light và thuốc nhuộm tóc, rồi một người tính tiền nhanh nhẹn, thân thiện và vui vẻ chấp nhận phiếu ưu đãi mua hàng vừa mới hết hạn của tôi… Một ngày bắt đầu như thế thì còn gì hơn?
Và đây là những gì đã xảy ra. Tôi đẩy xe hàng với đứa con út khắp người dính đầy chuối đến xếp hàng chờ tính tiền và đặt tất cả các thứ lên băng chuyền. Sau đó, tôi lục tìm tấm phiếu ưu đãi và thẻ mua hàng theo yêu cầu của cô nhân viên thu ngân trước khi cô tính tiền. Tôi còn bảo với cô ấy rằng chúng tôi đã ăn hết hai trái chuối. Tờ hóa đơn tính tiền vừa mới in xong, con tôi đang cố giật mấy món hàng ra khỏi quầy trưng bày cạnh đó, và cô thâu ngân lại còn đang cố đoán xem hai quả chuối đã ăn mất nặng bao nhiêu, chẳng biết rằng tôi còn phải đi đâu đó rất vội.
Tôi để ý thấy một phụ nữ đứng tuổi đang đứng chờ phía sau tôi, trong giỏ của bà chỉ có vài món hàng. Thấy thế, tôi nhẹ nhàng đề nghị: “Bác sang quầy khác tính tiền sẽ nhanh hơn đấy?”.
“Không sao, con tôi đã lớn và tôi cũng không vội đi đâu cả. Tôi rất thích ngắm nhìn gia đình dễ thương của chị,” bà mỉm cười đáp.
Đấy cũng chính là lúc tôi bắt đầu hiểu thế nào là kiên nhẫn. Tôi luôn luôn ra khỏi nhà với hàng tá công việc ghi giấy cầm theo, cứ nghĩ rằng khi nào mọi việc đâu vào đấy – mà hình như chẳng bao giờ xong được – là tôi có thể thật sự tận hưởng cuộc sống.
Đến tận bây giờ, tôi mới bắt đầu nhận ra rằng tất cả những điều tôi đang làm mỗi ngày chính là cuộc sống. Thế tại sao tôi không cho mình cơ hội để tận hưởng? Tôi hiểu ra rằng, kiên nhẫn chính là khả năng dẫn dắt những đứa con của mình khôn lớn giữa bộn bề những công việc hàng ngày mà bất kỳ người mẹ nào cũng phải đảm trách.
Tôi vẫn còn phải đi đón con tan học, rồi còn lo chuyện tắm rửa, cho chúng ăn và dỗ chúng ngủ. Nhưng giờ đây, khi bình tâm trở lại và biết yêu thương cuộc sống mà mình đang có, tôi đã tìm thấy được lòng kiên nhẫn cho chính mình rồi, các bạn ạ!
“Ôi, tôi yêu bà ấy biết nhường nào!”
Vị mục sư đang tiến hành nghi thức cuối cùng để chôn cất người quá cố thì ông cụ 78 tuổi, chồng của người phụ nữ 50 tuổi vừa mới qua đời, bất ngờ kêu lên thảm thiết bằng một giọng khàn đặc: “Ôi… ôi… tôi đã yêu bà ấy biết chừng nào!”.
Tiếng khóc nức nở của ông lão phá tan bầu không khí trang nghiêm, tĩnh mịch của buổi lễ. Bạn bè và những người thân đứng quanh ngôi mộ đều lộ vẻ bàng hoàng và bối rối vì không biết phải làm gì trước phản ứng bất ngờ của ông lão – vốn là một người rất ít lời. Con cái ông, tất cả đều đã trưởng thành, tỏ ra hết sức ngượng ngùng và cố gắng bảo cha mình đừng gào khóc nữa. “Được rồi, cha à, chúng con hiểu mà. Cha đừng khóc như thế nữa!”
Mắt ông cụ đăm đăm nhìn vào chiếc quan tài đang từ từ được hạ xuống huyệt mộ. Mục sư tiếp tục tiến hành nghi thức đang còn dang dở. Đọc xong lời cầu nguyện, ông mời mọi người trong gia đình xúc đất lấp lên quan tài để thể hiện hành động cuối cùng dành cho người quá cố. Lần lượt từng người làm theo lời mục sư, duy chỉ có ông cụ thì không. “Ôi, tôi đã yêu bà ấy lắm mà!” ông kêu lên thảm thiết. Con gái và hai con trai của ông một lần nữa cố gắng ngăn ông lại, nhưng ông vẫn tiếp tục nói trong đau khổ: “Bố yêu mẹ các con mà!”.
Khi những người cuối cùng xúm xít quanh mộ bắt đầu ra về, ông cụ vẫn khăng khăng đòi ở lại. Ông ngồi đấy, mắt đăm đăm nhìn ngôi mộ. Trông thấy thế, vị mục sư đến bên ông cụ, chậm rãi nói: “Tôi hiểu cảm giác của ông lúc này, nhưng đã đến lúc phải về thôi ông ạ! Tất cả chúng ta đều phải trở về để còn tiếp tục sống nữa chứ!”.
“Ôi trời ơi, tôi yêu bà ấy biết nhường nào!” ông cụ lại kêu lên ai oán. “Làm sao ông hiểu được chứ,” ông lão nói với vị mục sư, “Tôi gần như chỉ mới nói điều này với bà ấy một lần duy nhất trong đời mà thôi.”
Nhược điểm lớn nhất của hầu hết mọi người chính là sự chần chừ nói lên lời yêu thương với những người khác khi họ vẫn còn sống.
– O. A. Battista
Jennifer, chúc con Giáng sinh vui vẻ!
Chào con thân yêu! Không có con, Giáng sinh này sẽ chẳng được như những năm trước nữa, nhưng ba mẹ sẽ rất nhớ những kỷ niệm bên con trong suốt 19 năm qua. Tất cả những gì ba ao ước trong mùa Giáng sinh này là con sẽ quay về với ba mẹ, nhưng ba biết điều đó là không thể. Ba ngồi đây, viết thư cho con và hy vọng Chúa sẽ trao tận tay con bức thư này kịp ngày lễ thánh.
Ba nhớ lúc con còn nơi đây giúp ba chọn mua những món quà cho ngày Giáng sinh. Con luôn đoán được mẹ thích quà gì… Nhưng giờ ba cũng xoay xở được, ba nghĩ chắc là con đã giúp ba. Chắc mẹ sẽ rất thích món quà con gởi tặng mẹ từ nơi Thiên đường xa xăm đó! Em Sarah của con cũng vậy!
Tuần này, mẹ đã làm rất nhiều món bánh, nào là bánh tươi này, bánh chà là này… Con có ngạc nhiên không? Con có thích không nào?
Buổi họp mặt Giáng sinh truyền thống của gia đình chúng ta năm nay sẽ diễn ra ở nhà chú Steve. Ba mẹ chưa biết phải làm thế nào để sắp xếp đến dự tiệc được, nhưng thôi, chuyện đến đâu hay đến đó. Con đừng lo!
Sarah dạo này rất tốt, vẫn đang hẹn hò với Brian (cậu ấy tốt lắm, giúp con bé học hành tiến bộ hẳn). Cả nhà ai cũng biết, hầu như tối nào nó cũng nhớ đến con, vì hai chị em thường hay tâm sự với nhau vào giờ đó mà. Nó luôn nhớ những lời khuyên của con và cả những lần tranh cãi vặt vãnh giữa hai đứa. Con còn nhớ không?
Ngày mai, ba sẽ ra nghĩa trang để cào bớt lớp tuyết phủ trên mộ của con phòng khi một vài người trong họ hàng muốn đến thăm con. Ba mẹ đã dựng cạnh đó những cây sào, treo lên đó những con hạc giấy màu trắng và đỏ cùng với vài cái chuông để khi nào có gió thổi qua, tiếng leng keng của chúng sẽ khiến con thấy vui tai hơn, con nhé! Chúng đẹp lắm con ạ. Con nhớ thức dậy mà xem đấy nhé! Jenny à, mọi người đều biết Patrick rất nhớ con, và chắc hẳn con cũng vậy. Ba xin lỗi vì đã không ủng hộ nhiều hơn nữa mối quan hệ của con với cậu ấy. Chỉ khi nào ba gặp được con để nói lời xin lỗi, ba mới thôi không còn cảm thấy nặng lòng.
Jenny à, ba rất lấy làm tiếc vì con chưa từng được sử dụng Internet. Nhưng ba tin chắc là có lẽ con rất thích nó! Ba đã làm quen với rất nhiều người bạn tuyệt vời trên mạng, có cả những gia đình đã mất đi con trai hoặc con gái của họ nữa… Họ đã động viên tinh thần của ba rất nhiều trước sự ra đi quá đỗi đột ngột của con. Ngoài mẹ con ra, gần như họ là nguồn an ủi lớn nhất của ba để ba trút hết mọi đau buồn.
Mất đi con trẻ là nỗi đau đớn lớn nhất của bất cứ người cha, người mẹ nào và được chia sẻ nỗi đau ấy với những người có cùng cảnh ngộ thì thật là may mắn. Jennifer à, ba mẹ luôn nhớ đến con. Ba mẹ mãi mãi yêu con và sẽ không bao giờ quên con, con gái bé bỏng đáng yêu của ba mẹ!
Lời chúc Giáng sinh từ Jennifer
(Trong câu chuyện trước – “Jennifer, chúc con Giáng sinh vui vẻ!” – ông Wayne Furrow đã gửi một lá thư chúc mừng Giáng sinh đến đứa con gái đã khuất của mình lên mạng Internet. Lá thư ấy đã đến với rất nhiều người, và ít lâu sau, ông Furrow nhận được bức thư hồi âm dưới đây.)
Ba ơi,
Con đã sử dụng được Internet, và ba nói đúng – con rất thích nó. Nhưng con nghĩ nó không hề giống với mạng kết nối mà ba đang sử dụng đâu. Ở đây, con được chu du khắp nơi trong vũ trụ – không có cái chết, không có khói lửa, sự xấu xa hoặc bất cứ điều gì tương tự như vậy đâu ba ạ!
Con vẫn ở cùng với gia đình vào buổi sáng ngày Giáng sinh, ba không thấy con sao? Thật ra mỗi buổi sáng con đều ở bên cạnh em Sarah, mẹ và ba đấy.
Ba không cảm nhận sự có mặt của con sao? Ba không nghe thấy giọng nói của con sao? Ba không nhìn thấy con hiện diện ở khắp nơi sao? Con không thể ở lại bên mọi người lâu được, vì con còn phải dành nhiều thời gian hơn nữa để mang đến cho thế gian này những điều tốt đẹp mà ba đã dạy cho con: tình yêu thương, sự quan tâm, sự tự nguyện cho đi và lòng trung thành không tính toán.
Con không thể nói rằng con rất nhớ ba mẹ vì nơi con đang ở không hề tồn tại thứ cảm giác mang tên nỗi buồn. Thật đấy ba à, chưa bao giờ con thấy buồn cả! Con cảm nhận rất rõ khi nào ba nhớ đến con và thế là con thấy mình thật hạnh phúc. Ba biết không, con có thể hồi tưởng lại tất cả những tháng ngày con được ở bên ba, bên mẹ và bé Sarah chỉ trong tích tắc vài giây thôi đấy! Ba có tưởng tượng ra điều đó không?
Ở đây, bên cạnh con còn có nhiều người bạn rất tuyệt vời. Con tin rằng, một ngày nào đó, ba cũng sẽ tìm được cho mình những người bạn tuyệt vời như vậy. Ba ơi, ba chỉ cần nhớ một điều này thôi, con không bao giờ buồn cả. Con có linh cảm rằng một ngày nào đó, cảm giác hạnh phúc mà con đang có hiện giờ sẽ còn lớn hơn nữa. Bởi vì đó sẽ là lúc ba có mặt ở đây, với con. Nhưng đừng vội vàng, ba nhé! Còn rất nhiều điều quan trọng mà ba có thể làm ở dưới đó, trong khi con không tài nào thực hiện được ở trên này, chẳng hạn như dành cho mẹ thật nhiều tình yêu…
Yêu ba, Jennifer
Ông Furrow ạ, tôi đã mất đi người vợ thân yêu và cả đứa con bé nhỏ của mình từ cách đây lâu lắm rồi. Tôi ước gì mình có thể nhận được một lá thư cuối cùng từ họ… Vì cả hai đã ra đi mà không kịp từ giã tôi lấy một lời. Chúa sẽ luôn phù hộ cho ông và xin hãy tha thứ cho sự mạo muội của người đàn ông đa cảm này. Lá thư của ông đã gây xúc động sâu sắc đến tận nơi sâu kín nhất trong tâm hồn tôi.
Cầu chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với ông.
Một người bình thường có thể trở nên thật đặc biệt chỉ bởi vì lòng tốt của mình.
– Khuyết danh
Tấm danh thiếp
Dave, anh trai tôi, lúc nào cũng muốn ở gần bên bà. Cả hai bà cháu cùng san sẻ một tình yêu bất tận đối với Mẹ Thiên Nhiên, với cả những ngọn rau, đọt khoai mà tự tay hai người đã cùng nhau vun xới trên khoảnh vườn nho nhỏ phía sau nhà. Hễ có thời gian là anh tôi liền ghé thăm bà và dùng một tách cà phê. Một ngày nọ, khi đến nhà nhưng không gặp bà, anh đã để lại một nắm đất trên hiên nhà. Từ đó trở đi, điều này được coi như là “tấm danh thiếp” của anh ấy. Khi về đến nhà, bà sẽ biết ngay là Dave đã ghé qua khi thấy nắm đất nằm bên hiên cửa.
Dù cho tuổi thơ nhọc nhằn ở nước Ý không cho phép bà được học hành đầy đủ, bà cũng đã cố gắng để có được một cuộc sống tốt đẹp ở nước Mỹ. Bà luôn sống khỏe mạnh, tự lập và luôn biết cách cảm nhận cuộc sống thật trọn vẹn. Mới đây thôi, bà bị đột quỵ và qua đời. Mọi người đều vô cùng tiếc thương trước sự ra đi của bà. Còn với Dave, không gì có thể an ủi được anh ấy. Người bạn lớn của anh trong ngần ấy năm qua đã không còn nữa.
Trong tang lễ của bà, anh Dave và tôi là hai trong số những đứa cháu được hộ tang bên quan tài bà. Tại nghĩa trang, người chủ trì tang lễ hướng dẫn chúng tôi đặt những chiếc găng tay trắng và hoa cẩm chướng mà chúng tôi đã cài trên áo trong suốt tang lễ lên trên quan tài của bà. Rồi lần lượt từng đứa cháu đến bên bày tỏ lòng thành kính của mình đối với bà lần cuối. Dave đi trước tôi và, khi anh bước đến bên quan tài tôi thấy anh cúi nhanh người xuống để nhặt một thứ gì đó. Tôi không nhìn rõ đó là gì, thế nên cũng không chú ý lắm. Đến lượt tôi đặt đôi găng tay và hoa cạnh chỗ anh Dave đặt khi nãy, nước mắt tôi chợt trào dâng khi nhìn thấy nắm đất nhỏ đang nằm đó, trên quan tài của bà. Đấy là lần cuối cùng anh ấy để lại “tấm danh thiếp” của mình cho người bà thân yêu.
Sự vắng mặt, chẳng hạn như cái chết, sẽ đóng một dấu niêm phong lên hình ảnh của những người mà ta yêu quý.
– Goldsmith