Một đĩa cơm nóng

Chicken soup for the soul tập 2 – Phần 2

Chicken soup for the soul tập 2 – Phần 2. Những câu chuyện hay đang chờ người đọc, theo dõi và đọc giúp cho bạn học thêm nhiều bài học hay.

Nơi trở về

Một cô bé mồ côi cha mẹ sống cùng bà ngoại trong một căn phòng nhỏ trên gác.
Một đêm, căn nhà bỗng bốc cháy và người bà đã thiệt mạng trong khi cố gắng cứu cháu gái của mình. Ngọn lửa lan nhanh, và cả tầng trệt của căn nhà nhanh chóng chìm vào biển lửa.

Chicken soup for the soul tập 2 - Phần 2

Những người hàng xóm gọi điện cho đội cứu hỏa, rồi đứng đó nhìn trong vô vọng, mà không thể xông vào nhà bởi ngọn lửa đã chặn kín mọi lối vào. Cô bé tuyệt vọng kêu khóc cầu cứu bên cửa sổ trên gác. Lúc ấy, trong đám đông lại có tin đồn rằng lực lượng cứu hỏa sẽ đến chậm vài phút vì họ đang bận chữa cháy ở nơi khác.

Đột nhiên, một người đàn ông xuất hiện cùng với chiếc thang. Ông dựng chiếc thang tựa vào bức tường của ngôi nhà, rồi nhanh chóng tiến vào bên trong. Và ông trở ra với cô bé ở trên tay mình. Ông trao cô bé cho những người đang dang tay chờ bên dưới rồi mất hút vào màn đêm.

Mọi người điều tra và thấy rằng cô bé chẳng còn người thân nào cả. Vài tuần sau, một cuộc họp được tổ chức để quyết định xem ai là người sẽ chăm sóc và nuôi nấng cô bé.

Một cô giáo muốn nhận nuôi cô bé. Cô đưa ra lý do rằng mình có thể bảo đảm cho em một nền giáo dục tốt. Một người nông dân nhận chăm sóc cô bé vì ông cho rằng cô bé sẽ khỏe mạnh và thoải mái khi được sống ở nông trại. Những người khác cũng đưa ra những lý do thuận lợi để được nhận nuôi cô bé. Cuối cùng, một người dân giàu có nhất thị trấn đứng dậy và nói:

“Tôi có thể mang đến cho cô bé này tất cả những điều kiện thuận lợi mà mọi người vừa đề cập, cộng với tiền bạc và tất cả những gì mà tiền có thể mua được.”

Trong suốt buổi thảo luận, cô bé vẫn im lặng, mắt nhìn xuống sàn nhà. “Còn ai có ý kiến khác nữa không?”, ông chủ tịch lên tiếng.

Một người đàn ông từ cuối phòng bước lên phía trước. Bước đi của ông chậm chạp và có vẻ đau đớn. Khi đã đến trước mặt mọi người, ông bước thẳng đến chỗ cô bé và đưa đôi bàn tay ra. Mọi người vô cùng kinh ngạc. Bàn tay và cả hai cánh tay của ông đều bị phỏng trầm trọng.

Cô bé òa khóc:

“Đây chính là người đã cứu cháu!”

Rồi cô bé quàng tay quanh cổ người đàn ông, như đang giữ chặt lấy cuộc sống thân thương, như em đã làm trong cái đêm định mệnh ấy. Rồi cô bé gục đầu vào vai người đàn ông và khóc nức nở trong giây lát. Sau đó em ngước nhìn lên và mỉm cười với ông.

“Cuộc họp đến đây là kết thúc”, người chủ tọa tuyên bố.

– Khuyết danh

Chẳng phải người có nhiều của cải mới là người giàu có, chính những người cho đi mới là người giàu có.

Erich Fromm


Thưa cô, cô giàu có phải không ạ?

Hai đứa bé co mình trong chiếc áo bành tô quá khổ, rách rưới đứng nép vào nhau phía sau cánh cửa, run rẩy mời tôi:

“Thưa cô, cô mua báo cũ không ạ?”
Thưa cô, cô giàu có phải không ạ?
Tôi đang bận, chỉ muốn từ chối một tiếng cho xong, thế nhưng khi nhìn xuống đôi chân của chúng, tôi thật không đành lòng. Những đôi xăng- đan bé xíu, ướt sũng vì mưa tuyết. “Vào nhà đi, cô sẽ làm cho mỗi đứa một ly ca cao nóng!” Chúng lặng lẽ bước theo tôi. Hai đôi xăng-đan sũng nước được đặt trên bệ lò sưởi để hong cho khô.

Ca cao và bánh mì nướng ăn kèm mứt có thể làm ấm lòng trước cái lạnh buốt giá bên ngoài. Đưa thức ăn cho bọn trẻ xong, tôi lại vào bếp để tiếp tục với những con số chi tiêu đau đầu.

Không khí yên ắng trong phòng khách khiến tôi cảm thấy hơi làm lạ. Tôi nhìn vào trong phòng.

Cô bé đang cầm chiếc tách đã uống cạn trên tay, ngắm nhìn một cách say mê. Cậu bé đi cùng rụt rè: “Thưa cô, cô giàu có phải không ạ?”.

“Cô giàu có ư? Không, không đâu cháu ạ!” – Vừa nói, tôi vừa ngao ngán nhìn tấm khăn trải bàn đã sờn cũ của mình.

Cô bé cẩn thận đặt chiếc tách vào đĩa. “Những chiếc tách của cô hợp với bộ đĩa ghê!” Giọng nói của cô bé có vẻ thèm thuồng.

Thế rồi chúng ra đi, trên tay cầm theo gói báo cũ, băng mình trong ngọn gió rét căm căm. Chúng không nói lời cảm ơn. Nhưng quả thật, chúng không cần phải cảm ơn tôi. Những gì chúng đã làm cho tôi còn hơn cả tiếng cảm ơn.

Những chiếc tách và đĩa bằng gốm màu xanh trơn của tôi là loại thường thôi. Nhưng chúng là một bộ rất hợp. Tôi nếm thử món khoai tây và khuấy nồi súp. Khoai tây và món súp, rồi mái nhà, cả người chồng của tôi với công việc ổn định – tất cả đều rất phù hợp với tôi.

Tôi đặt chiếc ghế đang ở trước lò sưởi vào chỗ cũ và dọn dẹp lại căn phòng cho gọn gàng. Vết bùn từ đôi xăng-đan ướt sũng của hai đứa bé vẫn còn đọng lại trên mặt lò sưởi, nhưng tôi không lau đi. Tôi muốn giữ chúng lại, để lỡ đâu có ngày tôi lại quên rằng mình giàu có đến mức nào.

– Marion Doolan

 

Nếu để ý đến những điều bạn có trong cuộc sống, bạn sẽ luôn nhận được nhiều hơn thế.
Còn nếu chỉ để ý đến những điều bạn không có trong cuộc sống, bạn sẽ thấy mình không bao giờ có đủ.

– Oprah Winfrey

Bài học về cách chấp nhận

Mỗi lần gặp thất bại trong cuộc sống, tôi lại nghĩ ngay đến câu chuyện của cậu bé Jamie Scott. Ngày đó, Jamie đang thử diễn một vai trong vở kịch của trường. Mẹ cậu bé nói với tôi rằng em đã đặt hết tâm huyết vào vai diễn thử này, mặc dầu trong thâm tâm bà lo sợ con trai mình sẽ không được chọn. Đến ngày nhà trường quyết định chọn vai diễn, tôi theo bà đến trường để đón Jamie sau giờ
Bài học về cách chấp nhận
tan học. Vừa nhìn thấy mẹ, Jamie chạy vội ngay đến, đôi mắt sáng long lanh ngập tràn hãnh diện và thích thú: “Mẹ ơi, mẹ đoán thử xem nào?”, cậu bé la toáng lên rồi nói luôn câu trả lời mà sau này trở thành bài học cho tôi: “Con được cô chọn là người vỗ tay và cổ vũ, mẹ ạ!”.

– Marie Curling

Tôi vẫn tin vào tuổi trẻ hôm nay

Thỉnh thoảng, khi đáp máy bay đi thuyết trình ở các nơi, tôi thấy mình may mắn khi được ngồi cạnh những người bạn đồng hành thích trò chuyện. Đó quả là một điều thú vị, bởi tôi vốn là người thích lắng nghe người khác. Tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về nỗi buồn, niềm vui, nỗi sợ hãi, sự thù hằn và về nhiều điều thú vị khác.

Tôi vẫn tin vào tuổi trẻ hôm nay

Nhưng cũng thật buồn, có nhiều lúc tôi phải ngồi cạnh một người chỉ muốn trút tất cả sự hằn học, bực tức lên vị khán giả bất đắc dĩ ngồi bên cạnh trong suốt chặng đường dài 600 dặm. Tôi nhớ có một lần như thế, tôi buộc phải ngồi một chỗ chịu đựng bài thuyết trình về tình trạng kinh khủng của thế giới ngày nay: “Anh biết đấy, giới trẻ ngày nay thật là…”. Ông ta cứ tiếp tục nói không ngừng về sự tệ hại của tuổi trẻ ngày nay, chủ yếu là dựa vào những bản tin lúc 6 giờ hàng ngày mà không có sự chọn lọc.

Tôi vui mừng xuống máy bay khi đến nơi và trên đường về khách sạn, tôi mua một tờ báo địa phương. Một trang bên trong của tờ báo có đăng một bài viết mà tôi nghĩ rằng đáng ra nó phải được đưa lên trang nhất.

Bài báo viết về một cậu bé 15 tuổi bị mắc bệnh u não. Cậu đang phải điều trị bằng phương pháp xạ trị và hóa trị. Hậu quả của những đợt điều trị ấy làm cậu bị rụng hết cả tóc. Tôi nhớ cảm giác của mình lúc bằng tuổi cậu bé – ắt hẳn là tôi phải xấu hổ và khổ sở lắm.

Những người bạn của cậu chợt nghĩ ra một giải pháp: tất cả các cậu bé trong lớp đều xin phép gia đình được cạo hết tóc để bạn mình sẽ không phải là người không có tóc duy nhất trong trường. Và ngay trên trang báo là bức hình chụp một người mẹ đang tự tay cạo đầu cho con mình trước vẻ hài lòng của mọi người trong gia đình.

Vâng, tôi vẫn tin vào tuổi trẻ hôm nay.

– Hanoch McCarty

Hãy dám tin

Một cậu bé vừa băng qua sân bóng, với chiếc mũ cầu thủ bóng chày đội ngay ngắn trên đầu, trên tay là chiếc gậy và bóng, vừa tự hào nói với chính mình: “Mình là cầu thủ bóng chày xuất sắc nhất thế giới!” Nói rồi, cậu tung quả bóng lên cao, cầm gậy vụt mạnh nhưng cậu đã đánh hụt. Không chút nản lòng, cậu nhặt lại quả bóng, ném lên cao và tự nhủ: “Mình sẽ luôn là cầu thủ giỏi nhất!”.

Cậu lại giơ gậy đánh bóng, nhưng cũng như lần trước, cậu lại không thành công. Cậu bé dừng lại giây lát để kiểm tra lại bóng và gậy của mình một cách cẩn thận. Một lần nữa, cậu vừa tung bóng vừa nói: “Mình chính là cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử!”. Cậu đánh mạnh chiếc gậy và lại hụt lần nữa.

“Chao ôi!”, cậu bé thốt lên. “Quả là một cầu thủ tuyệt vời!”

– Khuyết danh

Chuyện về cây cầu kỳ vĩ

Cầu Brooklyn bắc ngang con sông nằm giữa vùng Manhattan và Brooklyn được xem là phép lạ của ngành xây dựng.
Vào năm 1883, một kỹ sư giàu óc sáng tạo tên là John Roebling, cảm thấy hứng thú với ý tưởng sẽ xây cây cầu ngoạn mục này. Tuy nhiên, các chuyên gia cầu đường bảo ông hãy quên ý tưởng đó đi vì đó là một dự án bất khả thi.
Không nản lòng, ông thuyết phục con trai mình là Washington, cũng là một kỹ sư đầy tiềm năng. Cả hai cha con cùng ấp ủ ý tưởng về cách hoàn thành cây cầu và cách vượt qua mọi trở ngại. Bằng mọi cách, họ thuyết phục các ngân hàng đầu tư tài chính cho dự án xây cầu này. Hết sức phấn khởi và nhiệt thành, họ tuyển nhân công và bắt đầu xây cây cầu như mơ ước của mình.

Dự án mới tiến hành được vài tháng thì tai họa ập đến. Một tai nạn ngay tại công trường đã cướp đi sinh mạng của John Roebling, còn Washington, con trai ông, thì bị tổn thương não nặng nề, không thể đi đứng và nói được. Ai cũng nghĩ rằng cuối cùng dự án sẽ tan thành mây khói vì chỉ có cha con Roebling là những người duy nhất hiểu được cách xây chiếc cầu này.

Mặc dầu không thể đi lại và nói chuyện được, nhưng đầu óc Washington Roebling vẫn còn rất tinh anh. Một hôm, khi đang nằm trong bệnh viện, trong đầu anh chợt nghĩ ra cách hình thành một bộ mã truyền tin. Vận động duy nhất của cơ thể anh là nhúc nhích được một ngón tay.
Với bộ mã này, anh dùng ngón tay còn chuyển động được gõ ra ý nghĩ của mình để thông tin với vợ những gì cần nói với các kỹ sư vẫn đang tiếp tục xây dựng cây cầu. Trong suốt 13 năm, Washington đã ra lệnh bằng ngón tay duy nhất còn chuyển động của mình cho đến khi hoàn thành cây cầu Brooklyn kỳ vĩ.

– Theo A Fresh Packet of Sower’s Seeds của Brian Cavanaugh

Bài học từ trái tim

Đó là bài học mà Sarah – cô con gái nhỏ mười tuổi của tôi phải luôn mang thanh nẹp ở chân do một dị tật bẩm sinh – đã cho tôi.

Hôm đó là một ngày mùa xuân tuyệt đẹp, Sarah vừa đi học về đã kể ngay cho tôi nghe về việc cô bé đã tham gia thi đấu trong ngày hội thể thao ở trường.

Nghĩ đến đôi chân của Sarah, tôi liền chuẩn bị ngay những lời an ủi để cô bé không nản lòng. Thế nhưng trước khi tôi kịp nói lời nào, Sarah đã hào hứng: “Bố à, con thắng đến hai cuộc đua!”.

Tôi thật không thể tin được điều ấy! Và Sarah nói thêm: “Con có lợi thế hơn các bạn khác bố ạ!”.

À, thì ra là như thế. Tôi có thể tưởng tượng rằng Sarah đã được ưu tiên đứng trước vạch xuất phát so với các bạn… hay một điều gì tương tự như thế.

Thế nhưng, lại một lần nữa cô bé lại nói trước: “Bố ơi, không phải con được xuất phát trước đâu nhé… lợi thế của con là con luôn biết rằng mình phải cố gắng thật nhiều!”.

– Stan Frager

Vượt trên nghịch cảnh

Chúng tôi, những người đã từng sống trong trại tập trung vẫn còn nhớ những con người đã đi từ lều này sang lều khác để an ủi mọi người và cho đi cả những mẩu bánh mì cuối cùng của mình.

Họ chỉ là một con số ít ỏi trong rất nhiều người đang sống trong trại, nhưng họ đã đưa ra một bằng chứng thuyết phục rằng con người có thể bị tước đi mọi thứ, chỉ trừ một điều:

Điều cuối cùng trong các quyền tự do của con người – quyền lựa chọn thái độ của mình trong mọi hoàn cảnh, quyền chọn lấy cách sống cho riêng mình.

– Viktor E. Frankl

Xem Download trọn tập 2 bên dưới.

 

Cảm ơn đã đọc rất vui khi các bạn chia sẽ bài viết cho mọi người xem

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *