Chicken soup for the soul tập 1 – Phần 4. Những câu chuyện rất hay nên cho bạn nhiều bài học hay, giúp mọi người vược qua những nỗi buồn.
Xem thêm: Những câu chuyện thuộc Chicken soup for the soul đã đăng.
Hãy là chính mình
Bạn không cần phải trở thành người giống như mẹ của mình, trừ khi chính bạn muốn như thế. Bạn cũng không cần phải trở nên giống bà ngoại hay bà cố của mình hoặc giống một người nào đó phía gia đình bên nội.

– Pam Finger
Một lần, Tổng thống Calvin Coolidge mời những người bạn đồng hương đến dự bữa tối tại Nhà Trắng. Lo ngại cách ăn uống của mình có thể không thích hợp, những người khách quyết định làm theo những gì Coolidge làm.
Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ cho đến khi món cà phê được mang lên. Vị Tổng thống rót cà phê vào đĩa. Các vị khách cũng làm theo. Coolidge bỏ thêm đường và kem vào. Những người khách cũng làm y như vậy. Thế rồi, Coolidge cúi xuống và đặt chiếc đĩa xuống sàn cho chú mèo của mình.
Chúng ta hãy hào phóng với những lời ngợi khen của mình. Phần thưởng lớn nhất mà chúng ta nhận được chính là niềm hạnh phúc vô biên.
– Charles Fillmore
Tôi đã biết yêu thương bản thân mình
Khi bắt đầu hiểu được rằng một đứa trẻ cần nhiều thứ hơn là những môn học ở trường thì tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Kiến thức toán học của tôi tốt, và tôi dạy môn toán cũng tốt.

Một lần tôi hỏi Eddie rằng tại sao em lại nghĩ mình đang học tốt hơn so với năm ngoái. Câu trả lời của em đã mang đến cho tôi một cái nhìn mới: “Vì bây giờ con đã biết yêu thương bản thân mình hơn mỗi khi được ở bên cô”.
Khởi đầu từ chính mình
Những dòng chữ sau đây được viết trên ngôi mộ của một mục sư người Anh trong hầm mộ của tu viện Westminter:
Khi tôi còn trẻ và tự do, trí tưởng tượng của tôi không có giới hạn. Tôi mơ ước mình có thể thay đổi cả thế giới. Khi trưởng thành và già dặn hơn một chút, tôi nhận thấy thế giới sẽ không thay đổi được. Vì vậy, tôi thu hẹp ước mơ của mình lại và quyết định sẽ chỉ làm thay đổi đất nước tôi.
Nhưng dường như cũng chẳng có gì dịch chuyển.
Khi cuộc đời tôi bước vào những năm xế chiều, bằng những nỗ lực cuối cùng, tôi quyết định sẽ chỉ thay đổi gia đình mình, những người thân thiết của mình. Nhưng, họ chẳng mảy may thay đổi.
Và giờ đây, khi đang ở những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, tôi chợt nhận ra: Chỉ khi nào thay đổi được bản thân mình thì tôi mới thay đổi được gia đình tôi.
Từ sự cổ vũ, khích lệ của họ, tôi có thể làm cho đất nước mình trở nên tốt đẹp hơn – và biết đâu, tôi đã làm thay đổi được thế giới này!
Cụm từ chán nhất và buồn nhất trong cả văn nói lẫn văn viết chính là “Giá như…”
– John Greenleaf Whittier
Sự thật vẫn là sự thật!
Nhà báo David Casstevens của tờ Tin buổi sáng Dallas kể lại câu chuyện về Frank Szymanski, một trung phong của đội Notre Dame vào những năm 1940, người đã được gọi đến tòa án với tư cách là nhân chứng của một vụ án dân sự xảy ra tại South Bend.
“Anh có phải là thành viên của đội bóng đá Notre Dame năm nay không?”, vị quan tòa hỏi.
“Vâng thưa quý tòa.” “Anh chơi ở vị trí nào?”
“Thưa quý tòa, ở vị trí trung phong.” “Anh đã chơi như thế nào?”
Szymanski tỏ ra hơi lúng túng, nhưng rồi anh trả lời một cách mạnh mẽ: “Thưa tòa, tôi là trung phong giỏi nhất của Notre Dame từ trước đến giờ.”
Huấn luyện viên Frank Leahy cũng có mặt trong phiên tòa hôm ấy lấy làm ngạc nhiên vì Szymanski luôn là người rất khiêm tốn và không bao giờ tự đề cao mình. Vì thế, khi phiên tòa kết thúc, Frank đến bên cạnh Szymanski và hỏi tại sao anh có thể tuyên bố một câu như vậy. Szymanski bối rối trả lời:
“Tôi không thích phải tuyên bố như thế, thưa Huấn luyện viên. Nhưng xét cho cùng, tôi đã tuyên thệ là chỉ nói sự thật.”
Sự thật đơn giản là sự thật. Nó chẳng cần lý do và cũng chẳng cần phải bàn cãi:
Vì nó chính là sự thật.– Carl Frederick
Con là người tuyệt vời nhất
Mỗi giây phút chúng ta sống đều mới mẻ và sẽ không bao giờ lặp lại lần nữa…Chúng ta dạy cho con cái chúng ta những điều gì? Chỉ đơn thuần rằng hai cộng hai là bốn, và rằng Paris chính là thủ đô của nước Pháp,…thôi sao?
Chúng ta nên nói với chúng rằng: Con có biết con là ai không? Con thật tuyệt vời và không ai giống con cả. Từ xưa đến nay, chưa có một đứa trẻ nào như con cả. Đôi chân con, cả đôi tay, cả những ngón tay xinh, cả dáng đi của con nữa,… tất cả đều thật tuyệt vời.
Con có thể sẽ trở thành một người như Shakespeare, như Michelangelo, hay như Beethoven. Con có thể làm được mọi thứ. Đúng thế, con là người tuyệt vời nhất. Và khi lớn lên, liệu con có thể làm tổn thương đến một người nào đó, cũng là người tuyệt vời như con không?
Tất cả chúng ta phải làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp để xứng đáng với những đứa trẻ tuyệt vời của nó.
Những gì chúng ta thật sự tin vào bản thân chúng ta đều đúng.
– Orison Swett Marden
Nếu bạn đối xử với một người như thể những gì người đó phải trở thành hay có thể trở thành, người đó sẽ trở nên như vậy.
– Johann Wolfgang von Goethe
Bài văn của Tommy
Chỉ chốc lát nữa thôi, cả bố và mẹ của Tommy, vừa mới sống ly thân với nhau, sẽ đến dự buổi họp phụ huynh về việc học tập sa sút và hành vi phá phách của cậu. Thế nhưng, cả hai người đều không biết rằng họ được mời đến cùng lúc.
Tommy, cậu con trai duy nhất của họ, trước đây là một cậu bé luôn vui vẻ, ngoan ngoãn, và là một học sinh xuất sắc. Còn bây giờ, tôi không biết làm thế nào để nói với bố mẹ Tommy rằng kết quả học tập sa sút của cậu bé trong thời gian gần đây chính là phản ứng của một đứa trẻ đang gánh chịu nỗi đau quá lớn trong lòng trước sự ly thân và việc ly hôn sắp xảy ra của bố mẹ mình.
Mẹ Tommy bước vào phòng và ngồi xuống chiếc ghế mà tôi đặt sẵn gần chiếc bàn của mình. Rồi bố Tommy cũng đến. Cả hai cố ý phớt lờ nhau.
Khi đưa bản kết quả chi tiết hành vi đạo đức và học tập của Tommy cho họ, tôi thầm mong nghĩ ra cách nào đó có thể giúp cả hai người xích lại gần nhau hơn và hiểu ra rằng những điều họ gây ra đã tác động đến cậu bé như thế nào. Thế nhưng, không hiểu sao tôi lại không thể nói được điều gì. Có lẽ một trong những mẩu giấy cẩu thả lem luốc mà Tommy đã viết sẽ giúp họ hiểu được điều ấy chăng?
Tôi tìm thấy mảnh giấy nhàu nát, đẫm nước mắt ấy nhét trong hộc bàn của Tommy. Những dòng chữ viết nguệch ngoạc, lặp đi lặp lại dày kín cả hai mặt giấy.
Tôi nhẹ nhàng vuốt lại mảnh giấy cho phẳng rồi đưa cho mẹ của Tommy. Bà đọc và đưa nó cho chồng mà không hề nói lời nào. Bố Tommy cau mày. Nhưng rồi, khuôn mặt ông dãn ra. Thời gian như lắng đọng khi ông mãi lặng yên đọc đi đọc lại những dòng chữ nguệch ngoạc của con mình.
Cuối cùng, ông cẩn thận gấp mảnh giấy lại và đưa tay nắm lấy bàn tay của vợ mình. Bà lau những giọt nước mắt còn đọng trên mi và mỉm cười với ông. Đôi mắt tôi cũng rưng rưng lệ, nhưng dường như không ai chú ý đến điều đó cả.
Thượng đế đã chỉ cho tôi cách để hợp nhất gia đình của Tommy lại. Người đã giúp tôi tìm thấy mảnh giấy đặc kín những dòng chữ viết nên từ trái tim nặng trĩu ưu phiền của cậu bé:
“Bố yêu quý… Mẹ yêu quý… Con yêu cả hai người… Con yêu cả hai người… Con yêu cả hai người…”
Có đôi mắt dõi theo bạn
Có một đôi mắt, dõi theo bạn từng ngày. Có một đôi tai, lắng nghe từng lời bạn nói. Có đôi bàn tay, hăm hở làm theo bạn,
Và có cậu bé đáng yêu, mơ một ngày nào đó sẽ là người giống bạn. Bạn đã là thần tượng của chú bé đáng yêu.
Bé vẫn luôn tin tưởng, bạn là người thông minh nhất, không một nỗi nghi ngờ.
Bé đặt trọn niềm tin, lắng nghe điều bạn nói, dõi theo điều bạn làm. Và cậu bé sẽ nói, và cậu bé sẽ làm, như cách bạn từng làm.
Có một cậu bé, với đôi mắt tinh anh,
Tin rằng bạn luôn đúng, và dõi theo bạn từng ngày. Bạn đang là gương sáng, qua những gì bạn làm.
Cậu bé sẽ dõi theo, để lớn lên giống bạn.