Câu chuyện hay – Sao còn mãi u mê? Nhiều người hỏi tôi: “Sao anh không mở Anh Văn thiếu nhi? Kiếm tiền nhiều lắm!” Làm nghề dạy tiếng Anh mười mấy năm nay, tôi đâu có ngu mà không biết điều đó. Nhiều phụ huynh muốn gửi con đến học, tôi đều từ chối, không phải tôi quá giàu nên chê tiền mà tôi luôn nghĩ cho đám trẻ.
Tôi không nhẫn tâm nhận tiền của phụ huynh để ép bọn trẻ sau khi đã vật vã với bao nhiêu môn học ở trường lại đến chỗ của tôi để học thêm tiếng Anh rồi về nhà ăn đại miếng cơm lại leo lên bàn làm một đống bài tập về nhà đến thật khuya rồi mới được đi ngủ.
Tôi là một người làm giáo dục, không phải thợ dạy và người làm giáo dục phải đặt lợi ích của người học lên hàng đầu chứ không phải là thu nhập của mình.
Tôi đã từng là một học sinh giỏi nhiều năm liền, từ lớp 1 đến lớp 12 đều là dân trường chuyên lớp chọn, từng được luyện như luyện gà đi thi các giải học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố.
Nhưng thật lòng mà nói, ngoài cái việc lấy được danh hiệu học sinh giỏi để khỏi bị người lớn ở nhà chửi rủa chì chiết, so sánh tôi với những bạn bè khác và kể công nuôi tôi tốn bao nhiêu tiền bạc, tôi chưa bao giờ thấy vui và cảm thấy việc học mang lại cho mình một ích lợi gì.
Chưa một ai giải thích cho tôi nghe vì sao tôi phải học tích phân, đạo hàm, lượng giác hay tại sao tôi phải giỏi đều hết toán, lý, hóa trong khi thế mạnh của tôi là Anh văn, Văn và Lịch sử.
Tôi chỉ biết là học giỏi toán, lý, hóa mới kiếm được nhiều tiền còn những môn tôi giỏi không kiếm được tiền. Thậm chí khi đi thi đại học, tôi vẫn phải chọn khối D có môn toán để vừa lòng mẹ tôi mặc dù tôi biết chắc chắn mình sẽ chả làm nên cơm cháo gì với môn toán cả.
Thi xong buổi đầu tiên, ý định của tôi là đi tự tử. Và khi có kết quả thi, tôi đã vô cùng hối hận vì tại sao lúc thi xong mình không đi chết cho rồi vì nguyên tuần lễ đó, tôi sống không bằng chết. Việc tôi, một đứa học sinh lớp chuyên mà thi rớt đại học Ngoại Thương là một trọng tội không thể tha thứ .
Hai mươi mấy năm đã trôi qua, tới bây giờ tôi nhiều lúc vẫn nằm mơ thấy ác mộng và giật mình tỉnh dậy giữa đêm, không sao ngủ lại được.
Từ nhỏ, tôi đã hình thành ý thức nổi loạn và chống đối ngầm vì tôi thấy những đòi hỏi và kỳ vọng của người lớn là vô lý. Ngoài mặt luôn là đứa con ngoan trò giỏi nhưng bên trong tôi muốn làm gì thì tôi sẽ tự quyết để làm, không ai cản được.
Nhưng cuộc sống hai mặt trong suốt bao nhiêu năm trời khiến tôi mệt mỏi và kiệt quệ đến mức trầm cảm. Nếu không có âm nhạc và tâm lý học thì chắc tôi cũng đã tự kết liễu đời mình từ lâu rồi. Nhiều lúc tôi tự nghĩ, nếu tôi không có sự nổi loạn bên trong mà ngoan ngoãn thuận theo sự sắp đặt của gia đình từ nhỏ tới lớn thì tới bây giờ tôi cũng chỉ trở thành một người đàn ông Việt Nam tuổi trung niên điển hình được gọi là thành đạt: mua được căn nhà, có được chiếc xe bốn bánh, có vợ có con, ngoài việc cắm đầu đi làm kiếm tiền ra thì giờ tan sở lại lê la quán nhậu nào đó tới khuya mới về và ép con mình học sống học chết như con mình ngày xưa.
Cái vòng lặp này sẽ tiếp tục cuốn con tôi, cháu tôi và những thế hệ sau của tôi vào đó và nghiền nát tất cả, biến chúng thành những cỗ máy kiếm tiền, làm nô lệ cho vật chất và sống cuộc đời không chút ý nghĩa hay hoài bão gì. Bởi vì ngay từ đầu khi đi học, chẳng ai nói cho những đứa trẻ này hiểu chúng phải học vì cái gì ngoài việc sau này kiếm thật nhiều tiền.
Từ sau tết tới nay liên tiếp xảy ra nhiều vụ học sinh tự tử do trầm cảm vì áp lực học hành. Đâu đó trong những comment vẫn có nhiều lời trách móc kiểu: “không biết công ơn cha mẹ tự hủy hoại thân mình là bất hiếu.” Xem ra những kẻ u mê đó vẫn chưa hiểu được ai là thủ phạm gây ra cái chết của các em.
Đôi khi những kẻ mở miệng ra là đạo đức hiếu nghĩa là truyền thống lễ giáo mới là những kẻ đáng sợ nhất bởi vì ngoài việc viện dẫn những thứ luân thường đạo lý mà chính bản thân họ nói như một con vẹt, họ chẳng có trách nhiệm hay hiểu biết gì cả.
Tôi đã từng trải qua trầm cảm hai lần, từng bị chứng mất ngủ kinh niên hành hạ và không ít lần nghĩ tới cái chết do quá tuyệt vọng nên tôi hiểu rất rõ cảm giác của những em nhỏ này. Một khi một người trầm cảm muốn chết, họ không hù dọa hay nghĩ quẩn mà cái chết là cách họ chấm dứt mọi sự đọa đày khiến họ cảm thấy được giải thoát. Mấy thứ giáo điều vớ vẩn về đạo hiếu đối với một người trầm cảm xin lỗi không đáng giá một xu.
Tôi muốn mọi người xem hết video tôi đăng kèm trong status này, bất kể bạn có thích rock hay có biết tiếng Anh hay không vì điều đó không liên quan cho lắm. Hãy nhìn cảnh những đứa trẻ mặt đồng phục xếp hàng đi như những con zombie đến trường để được đeo lên những chiếc mặt nạ vô hồn rồi từng đứa từng đứa rơi vào chiếc máy xay thịt khổng lồ và biến thành đống thịt xay bên dưới và hiểu thông điệp mà video muốn gửi gắm.
Video này ra đời ở Anh cách đây 42 năm trước như một cách phản kháng đối với cách giáo dục nhồi nhét hủy hoại những đứa trẻ. Tôi ước gì bài hát này được phát vào ngày 20/11 thay cho những bài hát ca ngợi công ơn thầy cô một cách sáo rỗng. Hơn nửa thế kỷ trước, người ta đã nhận thức được vấn đề, sao ta tới giờ còn mãi u mê?