Một đĩa cơm nóng

Chicken soup for the soul tập 5 – Phần 3

Tzippie

Vào một ngày hè oi ả, đôi vợ chồng trẻ cùng cô con gái bốn tuổi, Tzippie, đang trên đường đi nghỉ mát trên núi trong vài tuần.

Chicken soup for the soul tập 5 - Phần 3
Đột nhiên, một chiếc xe tải lớn đang chạy trên con đường hẹp bỗng đâm thẳng vào chiếc xe hơi của gia đình họ. Đôi vợ chồng bị thương nặng, còn cô con gái nhỏ Tzippie thì bị gãy xương ở nhiều nơi.

Tất cả lập tức được chuyển đến bệnh viện gần đó. Tzippie nằm ở khu điều trị dành cho trẻ em và cha mẹ cô bé được đưa sang khu vực chăm sóc đặc biệt. Có thể hình dung được rằng Tzippie chẳng những hết sức đau đớn mà còn rất khiếp sợ khi chẳng thấy cha mẹ ở bên cạnh mình để an ủi vỗ về.

Martha, cô y tá được phân công chăm sóc Tzippie, là một phụ nữ đứng tuổi, độc thân. Hiểu nỗi sợ hãi và cảm giác bất an của Tzippie, nên cô dành hết tình cảm cho bé. Khi Martha kết thúc ca trực của mình, thay vì về nhà, cô tình nguyện ở lại chăm sóc Tzippie vào ban đêm. Dĩ nhiên, Tzippie ngày càng cảm mến cô và cậy nhờ cô mọi thứ cần thiết. Martha còn mang bánh, tranh ảnh và đồ chơi cho Tzippie, hát và kể vô số chuyện cho cô bé nghe.

Khi Tzippie có thể di chuyển được, Martha đặt cô bé lên một chiếc xe lăn và đưa cô đến thăm bố mẹ mỗi ngày.

Sau nhiều tháng điều trị, gia đình Tzippie được xuất viện. Trước khi họ rời khỏi bệnh viện, cha mẹ cô bé hết lời cảm ơn Martha vì đã dành sự chăm sóc tận tình và đầy yêu thương cho Tzippie và mời cô đến thăm gia đình họ.

Còn Tzippie, cô bé không muốn xa rời Martha chút nào, cứ nằng nặc đòi cô đến sống cùng với mình. Tất nhiên, dù Martha không muốn xa Tzippie bé nhỏ, và ngôi nhà của cô là khu nhi trong bệnh viện, nên cô cũng không thể nào nghĩ đến việc từ bỏ cuộc sống của mình được. Cuộc chia tay giữa Tzippie và cô y tá đáng mến đã diễn ra thật ngậm ngùi, xúc động.

Gia đình Tzippie giữ liên lạc với cô y tá Martha qua điện thoại được vài tháng vì họ sống khá xa cô. Nhưng khi họ chuyển ra nước ngoài sinh sống, hai bên mất liên lạc với nhau từ đó.

Hơn 30 năm đã trôi qua. Một mùa đông nọ, Martha, giờ đã bước vào tuổi 70, bị mắc chứng viêm phổi nặng và được điều trị trong khu vực dành cho người lớn tuổi ở một bệnh viện gần nhà. Cô y tá trực nhận thấy bà Martha rất hiếm khi có người đến thăm. Cô y tá ấy luôn cố gắng hết mình dành cho người phụ nữ lớn tuổi ấy sự quan tâm chăm sóc đặc biệt, và cô nhận ra rằng bà ấy rất tinh tế và khéo léo.

Một đêm nọ, khi cô y tá ngồi bên vị bệnh nhân lớn tuổi ấy thì thầm trò chuyện, cô gái đã tâm sự với bà nguyên nhân khiến mình quyết tâm trở thành một nữ y tá. Cô kể rằng năm cô bốn tuổi, cô và cha mẹ của mình bị một tai nạn xe hơi.

Lúc ấy có một cô y tá tốt bụng đã giúp cô hồi phục bằng sự tận tâm, tình yêu thương của cô ấy. Khi lớn lên, cô đã quyết tâm một ngày nào đó mình cũng sẽ trở thành một nữ y tá để có thể giúp đỡ và chăm sóc các bệnh nhân, từ trẻ em cho đến người lớn tuổi, hệt như cách mà cô y tá năm xưa đã chăm sóc mình vậy.

Sau khi tốt nghiệp một trường đào tạo y tá ở nước ngoài, cô đã gặp và yêu một chàng trai người Mỹ. Sau ngày cưới, cả hai chuyển về nước sinh sống. Vài tháng trước họ đã chuyển đến sinh sống ở thành phố này, nơi chồng cô đa tìm được một việc làm rất tốt và cô cũng may mắn xin được làm y tá tại bệnh viện này.

Khi câu chuyện còn chưa kết thúc, những giọt nước mắt đã vội lăn dài trên khuôn mặt vị bệnh nhân già bởi bà chắc chắn rằng cô y tá đang ngồi cạnh mình là Tzippie bé nhỏ ngày xưa, người mà bà đã trực tiếp chăm sóc sau tai nạn khủng khiếp đó.

Khi cô y tá trẻ vừa kết thúc câu chuyện, Martha khẽ nói: “Tzippie, chúng ta lại gặp nhau; nhưng lần này con chăm sóc cho cô!”. Cô y tá tròn mắt sửng sốt nhìn Martha, chợt nhận ra bà “Là cô đấy ư?”, cô gái bật khóc. “Đã bao lần con nghĩ về cô và mong một ngày nào đó chúng ta gặp lại nhau!”

Khi Martha bình phục, Tzippie lần này không cầu xin bà đến sống cùng gia đình mình nữa – mà đã thu dọn đồ đạc của Martha và đưa bà về nhà mình. Bà Martha sống với gia đình Tzippie từ đấy. Chồng và các con của Tzippie cũng chào đón bà như bà ngoại thứ hai của gia đình.

– Ruchoma Sham


Một ngày trên bãi biển

Cách đây không lâu, tôi đã rơi vào một giai đoạn rất tồi tệ trong cuộc sống mà có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã nhiều lần trải qua. Đó là tình trạng tinh thần đột ngột sa sút trong cuộc sống, nó thê thảm đến nỗi mọi thứ đối với tôi đều trở nên nhạt nhẽo và vô vị, sức lực hao mòn, còn ngọn lửa nhiệt tình tắt ngấm. Tác động của điều đó đối với tất cả công việc của tôi thật đáng sợ. Mỗi sáng, tôi nghiến chặt răng rồi tự nhủ: “Hôm nay, cuộc sống lại tiếp tục trôi theo lối mòn của nó đấy. Mình phải vượt qua nó. Nhất định mình phải làm thế!”.

Một ngày trên bãi biển

Nhưng rồi chuỗi ngày nhàm chán vẫn kéo dài lê thê, và tình trạng tê liệt dường như ngày một tệ hơn. Đã đến lúc tôi biết mình cần sự giúp đỡ.

Người tôi đến nhờ cậy là một bác sĩ Chẳng phải một chuyên gia về tâm thần học, chỉ đơn giản là một vị bác sĩ. Ông ta lớn tuổi hơn tôi và đằng sau vẻ ngoài không mấy thiện cảm kia là một con người rất uyên thâm và từng trải. Tôi kể với vị bác sĩ một cách đau khổ, rằng tôi chẳng biết chuyện gì không ổn đang xảy ra nhưng dường như tôi cảm thấy rất bế tắc. “Liệu bác sĩ có thể giúp tôi không?”

“Tôi không biết”, vị bác sĩ chậm rãi trả lời, rồi chống tay nhìn chằm chằm vào tôi một lúc lâu. Đột nhiên, ông hỏi: “Hồi bé anh thích nơi nào nhất?”.

“Hồi bé à?”, tôi hỏi lại. “Ồ, tôi nghĩ là ở bãi biển. Gia đình tôi có một ngôi nhà nghỉ bên bờ biển. Cả nhà đều thích nó.”

Vị bác sĩ nhìn ra ngoài cửa sổ, đưa mắt theo những chiếc lá thu rơi rụng lả tả và hỏi tiếp. “Thế anh có thể làm theo lời hướng dẫn của tôi trong nguyên một ngày không?”

“Tôi nghĩ là được”, tôi trả lời vẻ sẵn sàng để thử làm bất cứ việc gì. “Được rồi. Tôi muốn anh làm như vầy.”

Theo lời vị bác sĩ, hôm sau tôi phải lái xe đến bãi biển một mình và không được đến trễ quá 9 giờ sáng. Tôi có thể ăn trưa, nhưng không được đọc, viết, nghe đài hay nói chuyện với bất kỳ ai. Thêm nữa, ông ta nói: “Tôi sẽ đưa cho anh một toa thuốc, cứ cách 3 giờ thì dùng một lần”.

Rồi ông xé bốn mảnh giấy trắng, viết vài chữ lên mỗi miếng, gấp lại và đánh số rồi trao chúng cho tôi. Anh hãy dùng những liều thuốc này vào lúc 9 giờ sáng, 12 giờ trưa, 3 giờ chiều và 6 giờ tối theo số thứ tự. “Bác sĩ nói nghiêm túc đấy chứ ạ?”, tôi hỏi lại.

Vị bác sĩ bật cười: “Anh sẽ không còn nghĩ là tôi đùa khi tôi lấy tiền khám bệnh của anh”.

Sáng hôm sau, với niềm tin nhỏ nhoi về phương thuốc của vị bác sĩ, tôi lái xe đến bãi biển. Quang cảnh ở đó thật vắng vẻ. Một cơn gió mùa đông bắc thổi qua, mặt biển trông xám xịt và những con sóng vỗ gầm gào như đang giận dữ. Tôi ngồi trong xe hơi, phía trước tôi là cả một ngày dài đằng đẵng và trống rỗng. Rồi tôi mở mảnh giấy thứ nhất ra xem: “Hãy chăm chú lắng nghe”.

Tôi nhìn chằm chằm vào dòng chữ. Không thể hiểu nỗi! Chắc vị bác sĩ đó điên mất rồi! ông ta đã cấm tôi nghe nhạc, đọc báo và tiếp xúc với những người khác rồi, còn cái gì khác nữa để mà nghe cơ chứ?

Tuy nhiên, tôi vẫn ngẩng đầu lắng nghe. Chẳng có âm thanh nào ngoài tiếng sóng gào thét ầm ầm đều đặn, tiếng kêu léc chéc của con mòng biển và tiếng ầm ì của vài chiếc máy bay trên bầu trời. Những âm thanh thật quen thuộc!

Tôi ra khỏi xe. Một cơn gió mạnh thổi đến làm cửa xe đóng sập vào. Tôi thắc mắc phải chăng vị bác sĩ đề nghị tôi phải chú ý lắng nghe những âm thanh đó?

Tôi leo lên một đụn cát và nhìn ra phía xa bãi biển hoang vắng. Ngồi ở đây tôi nghe thấy tiếng sóng biển đang gầm thét rất lớn, át cả những âm thanh khác. Và đột nhiên tôi nghĩ, hẳn phải có nhiều âm thanh khác nữa bên dưới những tiếng sóng đó – tiếng sột soạt nhẹ của cát trôi giạt, tiếng thì thầm của gió trong đám cây dại mọc ở cồn cát – nếu như người nghe thật chăm chú.

Như bị thôi thúc, tôi nhảy xuống biển, ngụp lặn trong làn nước. Bỗng thấy buồn cười về hành động của mình, tôi chúi đầu vào đám rong biển. Ngay lúc ấy, tôi khám phá ra rằng: nếu chú tâm lắng nghe, ta còn có thể nghe được từng khoảnh khắc khi mà tất cả mọi thứ đều ngừng lại như chờ đợi. Trong khoảnh khắc yên lặng đó, mọi suy nghĩ thoáng qua trong lòng ta đều ngưng đọng và tâm trí ta hoàn toàn được nghỉ ngơi.

Tôi trở lại xe và nằm thượt sau tay lái, tiếp tục chăm chú lắng nghe. Khi tôi nghe lại lần nữa tiếng gầm vang lên từ sâu thẳm trong lòng đại dương, tôi hình dung về sự thịnh nộ của những cơn giông tố nổi lên như một con thú đang nhe những chiếc răng nanh trắng hếu đe dọa. Lúc đó, tôi nhận ra rằng tôi đang nghĩ đến những thứ còn to lớn hơn cả chính bản thân mình – và lòng tôi thấy khuây khỏa với điều ấy.

Dù vậy, buổi sáng trôi qua rất chậm chạp. Thói quen ném mình vào một vấn đề rắc rối đã in sâu vào tôi đến nỗi tôi thấy mình bị chìm nghỉm, mất mát nếu không có nó.

Đến trưa, gió lớn đã xua tan những áng mây trên nền trời và mặt biển đang tỏa những tia sáng lấp lánh như đang vui cười. Tôi mở toa thuốc thứ hai ra. Một lần nữa, tôi lại thấy nửa vui nửa cáu. Toa thuốc lần này có ba từ : “Cố hồi tưởng”.

Hồi tưởng điều gì nhỉ? Hẳn nhiên là những ký ức đẹp trong quá khứ rồi. Nhưng tại sao lại phải như thế chứ, khi tất cả những lo lắng của tôi đều liên quan đến hiện tại hay tương lai?

Tôi rời xe và bắt đầu vừa đi dọc theo những đụn cát vừa trầm ngâm suy nghĩ. Vị bác sĩ kia đã giúp tôi trở lại bãi biển này, nơi ghi dấu biết bao kỷ niệm hạnh phúc thời thơ bé của tôi. Đó có lẽ là những gì tôi cần phải làm để tìm lại những niềm hạnh phúc mà tôi đã để rơi vãi sau lưng quá nhiều.

Tôi quyết định sẽ thực hiện công việc của một họa sĩ, sẽ làm sống lại những cảm giác đã nhạt nhòa ấy bằng cách chỉnh sửa màu sắc và tô đậm thêm các nét phác họa. Tôi sẽ chọn những tình tiết cụ thể và ghi lại càng nhiều chi tiết càng tốt. Tôi sẽ hình dung những con người trong bức tranh ấy ăn mặc và vui đùa như thế nào. Tôi sẽ tập trung lắng nghe chính xác âm thanh giọng nói cũng như tiếng cười của họ.

Thủy triều đang xuống dần, nhưng tiếng sóng vẫn vỗ ầm ầm. Tôi để cho tâm trí của mình quay trở lại thời điểm của chuyến đi câu cá cuối cùng của tôi với đứa em trai 20 năm về trước. Nó đã tử trận trong Thế chiến thứ hai, nhưng tôi nhận ra rằng nếu tôi nhắm mắt và thật sự cố gắng, tôi có thể nhìn thấy hình ảnh em tôi sống động đến ngạc nhiên, thậm chí tôi còn nhìn thấy cả nét hóm hỉnh và sự hăm hở trong ánh mắt nó.

Thật ra tôi đã thấy toàn cảnh bức tranh ngày hôm đó: Bờ biển cát ngà nơi chúng tôi câu cá lượn vòng như lưỡi một thanh đại đao, ánh bình minh ló dạng trên bầu trời phía đông, những đợt sóng cuồn cuộn đánh vào bờ một cách oai vệ và chậm chạp. Tôi cảm thấy những dòng nước xoáy ngược ấm áp vây quanh đầu gối, chiếc cần câu của em tôi đột nhiên cong vòng khi một con cá bị dính mồi và tôi nghe tiếng la mừng rỡ của nó. Tôi đã họa lại bức tranh ấy từng mảng một, rất rõ ràng và không hề thay đổi như được phủ dưới lớp sơn thời gian trong suốt. Rồi những hình ảnh ấy nhòa dần.

Tôi chậm rãi đứng dậy. Cố gắng tìm về quá khứ của mình. Những người hạnh phúc thường là những người tự tin và quả quyết. Nếu bạn

thong thả quay lại tìm và chạm tay tới những điều hạnh phúc, lẽ nào lại không tìm được những tia sáng hay nguồn sức mạnh nhỏ nhoi nào?

Giai đoạn thứ hai trong ngày đã trôi qua nhanh chóng hơn. Khi mặt trời bắt đầu chếch bóng, tâm trí tôi hăm hở đi trên cuộc hành trình về quá khứ, sống lại những khoảnh khắc, phát hiện ra những điều mà tôi đã hoàn toàn lãng quên. Tôi đã nhớ ra rất nhiều sự kiện trong mấy năm qua và từ một cảm giác ấm áp chợt dâng lên trong lòng, tôi hiểu rằng chẳng có lòng tốt nào là lãng phí hay mất đi ý nghĩa của nó.

Đến ba giờ chiều nước đã xuống và âm thanh của những con sóng giờ chỉ như tiếng thì thầm đều đều từng nhịp, như một gã khổng lồ đang thở. Những đụn cát giờ như đã là tổ ấm của tôi, tôi cảm thấy thư giãn, hài lòng và hơi tự mãn. Tôi nghĩ những liều thuốc của vị bác sĩ thật dễ uống.

Nhưng tôi chưa sẵn sàng uống liều thuốc thứ ba. Lời yêu cầu lần này không phải là gợi ý nhẹ nhàng. Nó giống như một mệnh lệnh hơn: ”Xem kỹ lại động cơ của mình”.

Khi đọc những dòng chữ ấy, phản ứng đầu tiên của tôi chỉ là tự vệ. Những động cơ của tôi chẳng có gì là xấu, tôi tự nhủ. Tôi muốn thành công – ai mà chẳng thế? Tôi muốn được công nhận, những người khác cũng như tôi thôi. Tôi muốn được an toàn hơn – và tại sao lại không được như thế chứ?

Có lẽ – một tiếng nói nhỏ vang lên đâu đó trong đầu tôi – những động cơ đó không hoàn toàn trong sáng. Có thể đó chính là lý do khiến các bánh xe cuộc đời không còn quay đều nữa.

Tôi bốc một nắm cát rồi để nó luồn qua những kẽ tay mình. Trước kia, những điều tôi làm tốt đều xảy đến một cách tự nhiên, không hề dự tính trước hay phải lo âu gì. Gần đây, mọi việc hầu như đều có sự tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng phù hợp với khả năng nhưng lại chẳng đến đâu.

Tại sao? Bởi tôi đã nhìn xa hơn mục đích công việc, tôi chỉ nghĩ đến những phần thưởng mà tôi hy vọng nó sẽ mang lại cho mình. Công việc chỉ đứng một chỗ, nó đã trở thành một phương tiện chỉ để kiếm tiền và thanh toán các khoản chi phí mỗi tháng. Ý thức cho đi điều gì đó, giúp đỡ người khác, cống hiến đã bị mất hút trong cảm giác điên cuồng khi chỉ biết bám lấy sự an toàn cho bản thân mình.

Thoáng chốc, tôi đã nhận ra một điều chắc chắn rằng nếu động cơ của một người thiếu đi sự trong sáng thì chẳng có việc gì là đi đúng hướng cả. Dù bạn là một người đưa thư, thợ hớt tóc, một người bán bảo hiểm, một bà nội trợ hay một ông bố thì cũng chẳng có gì khác nhau. Chỉ khi bạn cảm thấy mình đang phục vụ cho người khác, bạn mới thực

hiện công việc tốt được. Còn nếu chỉ quan tâm phục vụ cho riêng mình, hiệu quả công việc của bạn sẽ giảm đi. Đó là quy luật bất di bất dịch của cuộc sống giống như luật hấp dẫn trong vũ trụ vậy.

Tôi ngồi một lúc lâu. Xa xa về phía cồn cát ngầm, tôi nghe tiếng sóng vỗ rì rào chuyển thành tiếng gầm gào do thủy triều lên. Phía sau tôi những tia nắng cuối cùng của ngày gần như khuất dạng sau chân trời. Một ngày ở biển của tôi đã gần kết thúc, tôi miễn cưỡng thừa nhận vị bác sĩ cùng những toa thuốc của ông, chúng vừa giản dị lại vừa công hiệu. Giờ đây tôi đã thấy đó là những liều thuốc quý giá cho bất cứ ai đang phải đối mặt với bất kỳ khó khăn nào.

Chăm chú lắng nghe: Để làm dịu một tâm trí điên rồ, giảm bớt cường độ của nó, chuyển mọi muộn phiền trong lòng ra thế giới bên ngoài.

Cố gắng tìm về quá khứ: Bởi trí óc con người chỉ có thể lưu một ý nghĩ trong một lúc, vì vậy hãy xóa đi sự lo lắng hiện tại khi bạn vừa chạm được vào niềm hạnh phúc trong quá khứ.

Xem xét lại động cơ của mình: Đây là điều cốt lõi của “quá trình điều trị”. Đấy là một thách đố vì phải đánh giá lại, đặt những động cơ của một người ngang bằng với khả năng và lương tâm của người đó. Nhưng bạn phải có lương tâm trong sáng và thái độ chấp nhận khi làm việc.

Bầu trời phía tây đã ngả sang màu đỏ thẫm khi tôi mở mảnh giấy cuối cùng ra xem. Liều thuốc lần này gồm sáu chữ. Đọc xong hàng chữ viết trên ấy, tôi đi chậm ra biển. Khi chỉ còn vài mét nữa là đến mép nước, tôi dừng lại và đọc dòng chữ lần nữa: “Viết những ưu phiền lên cát”.

Tôi thả mảnh giấy bay đi, cúi xuống nhặt một mảnh vỏ sò vỡ. Quỳ tại đó dưới vòm trời cao vút, tôi đã viết thật nhiều trên mặt cát, hết nỗi ưu phiền này đến nỗi ưu phiền khác của tôi. Sau đó tôi quay bước đi và không hề nhìn lại. Tôi đã viết những ưu phiền của mình lên cát. Và ngoài kia thủy triều đang dâng lên.

Hãy cho mọi muộn phiền vào một cái túi bị thủng.

– Old Postcard

Mỗi ngày là một món quà

Anh rể tôi kéo cái ngăn dưới cùng của chiếc bàn nơi chị tôi vẫn thường ngồi làm việc và lấy ra một cái gói được bọc bằng giấy lụa.

“Đây là chiếc quần lót”, anh nói.

Mỗi ngày là một món quà

Anh xé chiếc gói bên ngoài và cho tôi xem một chiếc quần nhỏ ở bên trong. Chiếc quần được may rất khéo: hàng lụa mềm, may bằng tay có viền ren như tơ nhện. Trên đó vẫn còn nguyên miếng nhãn ghi giá, một số tiền không nhỏ.

“Jan đã mua nó khi lần đầu tiên anh chị đến New York, cách đây ít nhất là đã 8, 9 năm rồi, nhưng cô ấy chưa bao giờ mặc nó. Cô ấy định để dành chờ một dịp đặc biệt nào đó. Anh nghĩ lần này là dịp đặc biệt đây.

Anh đón lấy chiếc quần từ tay tôi, đặt nó lên giường cùng với những quần áo khác mà chúng tôi định chôn theo chị tôi. Anh mân mê nó một lúc rồi đóng sầm ngăn kéo và quay về phía tôi nói:

“Đừng bao giờ giữ lại bất cứ điều gì để chờ một dịp đặc biệt. Mỗi ngày tồn tại trên cõi đời chính là một dịp đặc biệt rồi đó.”

Những lời của anh cứ văng vẳng mãi bên tai tôi suốt thời gian diễn ra đám tang và cả trong những ngày kế tiếp, khi tôi giúp anh và đứa cháu thu xếp những việc lặt vặt trong nhà sau cái chết bất ngờ của chị tôi. Trên chuyến bay trở về California sau đám tang chị tôi, tôi cứ nghĩ về những lời nói ấy. Tôi cũng nghĩ đến những điều mà chị ấy chưa được thấy, được nghe và được làm và cả về những điều chị đã làm mà không nhận ra rằng nó là điều đặc biệt.

Tôi vẫn cứ mãi suy nghĩ về những lời nói của anh rể, vì chính lời nói ấy đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi bắt đầu đọc sách nhiều hơn và ít bận tâm đến những điều nhỏ nhặt. Tôi thích thú ngắm nhìn cảnh vật khi ngồi trên boong tàu và không còn rối lên khi thấy đám cỏ dại trong vườn. Tôi dành nhiều thời gian cho gia đình, bạn bè hơn và hạn chế tham dự những cuộc gặp gỡ không mấy bổ ích. Bất cứ lúc nào có thể, tôi đều tận hưởng cuộc sống tươi đẹp này thay vì cứ vật lộn với cảm giác cam chịu. Tôi luôn cảm nhận và trân trọng từng khoảnh khắc quý giá trong cuộc sống.

Tôi không để dành bất cứ điều gì nữa: Tôi dùng tất cả những món đồ sứ và đồ pha lê xinh đẹp của mình vào mỗi dịp có ý nghĩa – chẳng hạn như giảm được một ký lô, bồn rửa hết bị nghẹt hay khi bông hoa trà đầu tiên hé nở.

Tôi mặc chiếc áo đẹp đi chợ nếu thấy thích. Nguyên tắc sống của tôi là nếu trông tôi có vẻ là người làm ăn phát đạt, tôi có thể trả 28,49 đô la chỉ cho một túi hàng tạp phẩm nhỏ mà không cau mày. Tôi không để dành lọ nước hoa quý nhất của mình cho những dịp đặc biệt nào nữa, vì thế các cô bán hàng ở tiệm đồ ngũ kim hay các nhân viên ngân hàng và cả đám bạn tôi đều có dịp thưởng thức hương thơm quyếán rũ đó.

Những cụm từ “một ngày nào đó” hay “nội trong vài ngày” lâu nay vẫn bám chặt vào kho từ vựng của tôi như gọng kềm nay đang dần biết mất. Nếu có điều gì đáng xem, đáng nghe hoặc đáng làm, tôi sẽ thực hiện ngay.

Tôi không chắc chị tôi sẽ làm gì nếu biết rằng “ngày mai” – ngày mà tất cả chúng ta đều mặc nhiên nghĩ rằng sẽ đến – chị sẽ không còn trên cõi đời này nữa. Tôi nghĩ chị hẳn sẽ gọi điện cho những người trong gia đình và vài bạn bè thân. Có lẽ chị cũng sẽ gọi một vài người bạn cũ để

xin lỗi và để hàn gắn sau những mâu thuẫn đã qua. Tôi muốn nghĩ rằng chị cũng sẽ ra ngoài dùng một bữa cơm Tàu. Tôi chỉ đoán vậy thôi chứ chẳng bao giờ tôi biết được điều đó.

Những điều nhỏ nhoi chưa làm được sẽ khiến tôi bực bội nếu tôi biết thời gian của mình chỉ có giới hạn. Bực bội bởi tôi đã trì hoãn đi thăm những người bạn tốt mà tôi định sẽ liên lạc vào một ngày nào đó. Bực bội bởi tôi đã không viết những lá thư mà tôi đã định viết trong một vài ngày. Tôi sẽ bực mình và nuối tiếc vì đã không thường xuyên nói với chồng và con gái mình rằng tôi thật sự yêu họ biết bao. Tôi đang cố gắng rất nhiều để không phải trì hoãn, níu kéo hay để dành bất cứ điều gì mang thêm tiếng cười và làm cho cuộc sống của chúng tôi thêm tươi đẹp.

Và mỗi buổi sáng khi thức giấc, tôi tự nhủ rằng, hôm nay là một ngày đặc biệt. Mỗi ngày, mỗi phút , mỗi hơi thở đều là một món quà mà Thượng đế ban cho tôi.

– Anne Wells
Cảm ơn đã đọc rất vui khi các bạn chia sẽ bài viết cho mọi người xem

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *