Chicken soup for the soul tập 5 – Phần 1 có thêm nhiều câu chuyện rất hay.
Chicken soup for the soul tập 1 – Phần 1
Chicken soup for the soul tập 4 – Phần 1
Chicken soup for the soul tập 3 – Phần 1
Một ngày mới trong cuộc đời Dorothy
Trong khi người phụ nữ vẫn đang đều đều nói chuyện, tôi đưa mắt nhìn quanh căn phòng chứ chẳng để ý lắm đến những gì bà ta đang nói. Bà ấy đang kể về
Dorothy, đứa con gái tám tuổi bị chậm phát triển trí tuệ. Dorothy là đứa giữa trong năm đứa con của bà.
“Con bé chẳng nói được từ nào”, người mẹ cứ lặp đi lặp lại. “Các bác sĩ bảo rằng không có chút hy vọng gì cả. Chúng tôi đã mang con bé đến Boston năm ngoái và…”
Tôi đang tập trung quan sát các bức rèm bằng vải gấm hoa màu xanh lục che các khung cửa sổ cao hướng ra đại lộ Park. Căn phòng đẹp làm sao! Nào là những ngọn đèn chùm bằng pha lê sáng lấp lánh, nào là cây đàn dương cầm thật to, và khắp phòng còn có rất nhiều hoa tươi. Bà mẹ này là một phụ nữ thật đáng mến, một ca sĩ thính phòng mà tôi đã biết danh trước khi nhận được lá thư bà đã gởi để đề nghị giúp đỡ cho Dorothy.
Vâng, người phụ nữ ấy quả thật rất tuyệt vời, nhất là tình cảm mà bà dành cho cô con gái nhỏ của mình – một bệnh nhân mà tất cả các chuyên gia đều cho rằng không thể chữa khỏi. Vì thế tình yêu thương là thứ bà cần phải dồn cả cho cô bé. Vừa giả vờ chăm chú lắng nghe, tôi vừa để ý đến những kết quả của bài kiểm tra phản xạ và điện não đồ của con bé. Qua những năm tháng tiếp xúc với nhiều đứa trẻ bị chậm phát triển trí tuệ, tôi khám phá ra rằng mình không được quan tâm nhiều đến những thiếu sót của các bé, mà chỉ nên quan tâm đến những khả năng tiềm ẩn bên trong những đứa trẻ này.
Tôi chắc rằng mỗi đứa trẻ ấy đều có những năng lực tiềm tàng của mình. Và tôi cũng tin rằng luôn có một điều gì đó rất thiêng liêng ngự trị trong cuộc sống của mỗi chúng ta, và nhiệm vụ của những người làm thầy là khơi dậy những tiềm năng ấy.
Dorothy và tôi gặp nhau vào cuối tuần sau đó. Trong lòng tôi lập tức nảy sinh một tình cảm yêu mến ngay từ lần gặp đầu tiên ấy. Với dáng vẻ xinh đẹp, mái tóc vàng óng ả và đôi mắt xanh biếc thế kia hẳn cô bé phải là người rất dễ thương. Dẫu vậy, Dorothy lại nhìn tôi với ánh mắt rất khó hiểu.
“Ơn Chúa, hôm nay là một trong số rất ít ngày con bé chịu ngồi yên”, người mẹ nói. “Vào những lúc con bé bị kích động, không gì có thể kiểm soát được nó”. Tâm trí tôi nghĩ ngay đến những ngày ấy, và tôi, nói thật ra, lại thích những ngày như vậy. Những ngày ấy sẽ cho tôi biết rằng có một con người đang bị giam giữ, nhưng đó cũng là một con người đang vùng vẫy đòi quyền được người khác thông hiểu và thừa nhận. Tôi nói với mẹ cô bé rằng tôi sẽ cố thử làm trong một tháng xem sao.
Khởi đầu bao giờ cũng có một chút khó khăn. Buổi chiều, tôi dẫn Dorothy đến tham gia một lớp học đặc biệt dành cho trẻ chậm phát triển. Cô bé chỉ ngồi yên trên ghế, nhìn thẳng về phía trước quan sát, tuyệt nhiên không tỏ ra có ý định tham gia bất cứ một hoạt động nào cả.
“Chẳng thể nào chạm được vào con bé”, cô giáo của bé nói với tôi. “Chẳng hiểu sao gia đình vẫn cứ muốn đưa nó đến đây.”
Tôi đưa mắt nhìn những đứa trẻ khác trong phòng, tất cả đều đang say mê thực hiện những bài tập vận động một cách rất máy móc, và tôi ngầm đồng ý với những phản ứng của Dorothy. Có gì khó khăn để lắp một mảnh gỗ vuông vào một cái lỗ cũng hình vuông nốt kia chứ? Thế rồi với sự đồng ý của bố mẹ cô bé, tôi không đưa Dorothy đến lớp học đó nữa.
Tôi nhận thấy rằng dường như những vấn đề Dorothy gặp phải đều không được mọi người xung quanh cô bé mong đợi. Còn nhớ một buổi sáng nọ, khi tôi và người bảo mẫu đưa tất cả năm anh em Dorothy đi ăn ở một nhà hàng nhỏ trong thị trấn. Trong khi bốn đứa trẻ kia nhanh chóng ăn hết phần thức ăn của mình thì cô bé Dorothy cứ ngồi ngẩn ra để nhìn mọi thứ xung quanh và chẳng mảy may đụng đến phần ăn của mình.
“Phải có người đút con bé mới chịu ăn!”, cô bảo mẫu sốt ruột hét lên.
“Cô bé có thể tự ăn được”, tôi nói. “Nhưng tôi cho rằng có thể cô bé đang quá hào hứng với những gì diễn ra xung quanh thôi.”
“Hào hứng à?”, cô bảo mẫu khịt mũi có vẻ mỉa mai. “Nó chẳng biết chuyện gì đang xảy ra đâu. Thật là phát ngượng khi nó ngồi ở đây. Nó chỉ khiến anh chị em nó thêm bực bội thôi.”
Không đúng! Các anh chị em của Dorothy, nhất là cô chị Martha, có vẻ rất thích được ở bên cạnh cô bé. Nhưng khổ nỗi Martha cũng nhiễm phải thói quen của cô bảo mẫu, tức là chỉ nói với nhau về cô bé (“Hôm nay trông Dorothy xinh quá” hay “Mình phải chải tóc lại cho Dorothy chứ?”) chứ không phải trực tiếp nói chuyện với cô bé. Điều này cũng dễ hiểu, vì cô bé chẳng nói được, cũng chẳng hiểu gì nhiều về mọi người xung quanh.
Tôi đã hiểu ra được vấn đề. Tôi cảm nhận được điều đó mỗi khi cùng Dorothy đi dạo ở công viên Trung Tâm. Còn nhớ lúc ấy là vào tháng mười, trời cuối thu nắng ấm, và tôi cùng Dorothy đã cùng nhau tản bộ hàng giờ liền. Khi cảm thấy bầu không khí im lặng đang nuốt dần hai chúng tôi, tôi khẽ cất tiếng hát.
Tôi bắt đầu bằng bài thánh ca mà tôi đã thuộc từ thuở ấu thơ khi còn sống ở Anh. Dorothy có vẻ như rất thích bài hát ấy. Vì chân cô bé nhún nhảy theo điệu nhạc và cái đầu thì lắc lư nhịp nhàng theo bài hát.
Chúng tôi cũng mang theo giấy và bút chì mỗi khi vào công viên chơi. Tôi từng rất thích thú với một số bức vẽ trong phòng của Dorothy, đó là những mẫu vẽ các đường gợn sóng dập dềnh, được vẽ đi vẽ lại nhiều lần. Tôi không chắc lắm về ý nghĩa của những bức tranh đó, nhưng chắc chắn chúng không phải là những bức vẽ nguệch ngoạc như lời cô bảo mẫu nóng nảy kia vẫn thường nói.
Chúng tôi ngồi trên ghế đá công viên vẽ. Tôi vẽ cây cối, những con người đang tản bộ trong công viên và cả những chiếc chuồng bồ câu xa xa nơi cuối công viên kia, còn Dorothy vẽ những chú chim bồ câu hiền lành. Quả thật, đây là lần đầu tiên tôi thấy những chú chim bồ câu như vậy. Có thể những nét thảo ban đầu không giống lắm so với những chú chim bồ câu mà nhiều người vẫn vẽ, nhưng điều quan trọng là bức tranh rất có hồn, đó chắc chắn là những chú chim bồ câu hiền lành, dễ thương. Rồi tay cô bé thoăn thoắt đến nỗi mắt tôi không theo kịp: nào là đôi cánh đang tung bay, cái cổ gật gưỡng và cả dáng đi oai vệ.
Thu vàng thấm thoát trôi qua. Rồi một buổi sớm mai khi cơn mưa trút xuống bên khung cửa sổ và từng cơn gió khua những cánh cửa chạm lạch cạch vào nhau, Dorothy ngồi cạnh tôi, bên chiếc đàn dương cầm, còn tôi thì hát những bài hát tôi đã hát cho bé nghe trong những chiều dạo bước ở công viên. Tôi bắt đầu với một ca khúc của Fenwicke Holme, bài “Bài ca của sự im lặng”
Khi tôi hát được nửa ca khúc thì điều kỳ diệu xảy ra. Lúc đầu tôi chỉ hát một mình, rồi Dorothy hát theo tôi, từng từ một, đúng tông, đúng điệu. Quá đỗi bất ngờ, tay tôi cứ say sưa nhảy múa trên phím đàn mà không hề muốn dừng lại và mong sao điều kỳ diệu ấy đừng tan biến đi. Quả thật là một ký ức tuyệt vời. Tuyệt diệu biết bao khi cô bé có thể thuộc lời của từng bài hát, năng lực ấy vượt trội hẳn so với bất kỳ một đứa trẻ tám tuổi bình thường nào.
Tôi chợt nghe tiếng ai đó đang thổn thức. Tôi quay lại và thấy mẹ Dorothy đứng ngay ngoài cửa, nước mắt bà giàn giụa chảy dài trên má, chẳng thể làm gì hơn ngoài việc dang rộng vòng tay ôm lấy cô con gái bé bỏng của mình.
Từ lúc đó, cuộc sống trở nên khác hẳn với Dorothy. Ban đầu là hát những khúc ca, rồi chẳng bao lâu sau, cô bé đã có thể nói được mặc dù những lời nói ấy vẫn lúc nào cũng phải mở đầu bằng âm nhạc. Hai cô trò chúng tôi bắt đầu sáng tác nhạc về tất cả mọi thứ quanh mình.
“Nước này, và khăn mặt nữa, nhìn xem, tôi muốn gì nào? Đầu gối mà lắm bẩn cũng sẽ được rửa sạch ngay thôi ấy mà.” . “Trong vũ trụ, ta có thể nhìn ngắm các vì sao; kia là sao Kim, và đây sao Hỏa.”
Nhiều đổi thay khác cũng đã diễn ra với Dorothy. Tình trạng căng thẳng và những nỗi thất vọng thường ngày của cô bé biến mất, nét “dài dại” trong con người bé cũng không còn. Còn cô bảo mẫu vì không thể thích nghi với những thay đổi ấy cũng đã xin nghỉ việc để tìm một công việc khác.
Tôi chỉ kéo dài thời gian ở cùng Dorothy thêm một tháng nữa cho đến khi cô bé học xong bảng chữ cái. Thời điểm tôi rời nhà Dorothy cũng là lúc cô bé đã trở lại trạng thái bình thường, có khả năng tự lập như bao đứa trẻ mười ba tuổi khác.
Bình thường ư? Sẽ không phải là như vậy nếu chữ “bình thường” ở đây được hiểu theo nghĩa là “trung bình”. Tất cả chúng ta đều có những điểm mạnh và những điểm yếu riêng, và ở Dorothy, mọi thứ đều “quá mức”. Sự “quá mức” ở đây cũng chính là những suy nghĩ, diễn đạt mà chúng ta chẳng bao giờ hiểu được.
Chẳng hạn như bức tranh Dorothy từng vẽ đi vẽ lại nhiều gợn sóng dập dềnh, khi đã có đủ vốn từ cô bé đã nói với tôi: “Đó là gió đấy”.
Dorothy – đôi mắt em có thể nhìn thấy được những vật thiêng liêng sâu thẳm trong thâm tâm, đôi tai em có thể nghe được cả tiếng nói của tĩnh vật, thế giới của em đã rung lên theo điệu nhạc. À, nếu Thượng đế có bỏ sót một chi tiết nào đó trong con người em, Người cũng chỉ có thể lấp đầy nó bằng chính tâm hồn của Người thôi!.
Những tâm hồn luôn tràn đầy lòng tốt và sự cảm thông sẽ luôn được vui vẻ.
– Parke Godwin
Cội rễ của sự trưởng thành
Hồi còn nhỏ tôi có một người hàng xóm mà mọi người vẫn gọi là bác sĩ Gibbs. Ông không giống như bất kì bác sĩ nào tôi từng biết. Mỗi lần gặp ông, tôi đều thấy ông mặc bộ quần áo rộng thùng thình được may bằng vải bông chéo, đầu đội chiếc mũ rơm lụp xụp có máng chiếc kính mát bằng nhựa màu xanh lục ở vành trước. Ông luôn miệng cười, nụ cười ấy rất xứng với cái nón ông vẫn thường đội, cũ kỹ , nhàu nát và sờn rách. Ông chẳng bao giờ la mắng khi thấy bọn trẻ chúng tôi vui đùa trong sân vườn nhà ông. Nhắc đến ông, tôi chỉ nhớ đấy là một người rất tử tế chứ chẳng nhớ lắm đến những chi tiết vụn vặt khác.

Khi không còn làm việc nữa, ông bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc trồng cây. Nhà ông tọa lạc trên một cánh đồng rộng mười mẫu, và mục tiêu của đời ông là biến nó thành một khu rừng.
Vị bác sĩ hiền lành ấy có những lý thuyết trồng cây thật thú vị. Ông đã từng tham gia vào một trường đào tạo về nghệ thuật trồ ng cây với phương châm “không khổ luyện, không thành quả” mà. Không bao giờ ông tưới nước cho những cây mới sinh trưởng, ngược hẳn với sự hiểu biết thông thường. Một lần tôi thắc mắc hỏi ông vì sao như vậy, ông giải thích rằng tưới nước như thế sẽ làm chúng sinh ra hư hỏng, và thế hệ cây kế tiếp sẽ ngày một yếu đi. Vì thế cần phải tập cho chúng đối mặt với khắc nghiệt. Cây nào không chịu nổi sẽ bị nhổ bỏ ngay từ đầu.
Rồi ông giải thích rằng tưới nước cho cây cũng sẽ khiến rễ của nó mọc ngày càng nông trên mặt đất, và rằng những cây bị khô hạn thì sẽ phải tự bén rễ sâu mà tìm nguồn nước. Tôi hiểu ý ông muốn nói rằng rễ cây bám sâu vào mặt đất thì cây sẽ vững chắc và dễ thích nghi.
Thảo nào, chẳng bao giờ tôi thấy ông tưới cây cả. Ông trồng một cây sồi, mỗi sáng thay vì tưới nước, ông lấy tờ báo cuộn tròn lại và đập vào nó: Bốp! Bốp! Bốp! Tôi hỏi ông tại sao thì ông trả lời: Để nó chú ý.
Bác sĩ Gibbs từ giã cõi đời chỉ vài năm sau khi tôi rời gia đình mình để đi làm ăn xa. Giờ đây, mỗi khi đi ngang nhà ông, tôi vẫn ngắm nhìn những hàng cây mà tôi từng thấy ông trồng 25 năm về trước. Những thân cây ngày ấy nay đã lớn mạnh và tràn trề sức sống. Như những thanh niên cường tráng, mỗi sáng thức dậy, chúng tự hào ưỡn ngực và uống những tách cà phê đen đắng nghét.
Mấy năm sau tôi cũng tự trồng lấy cho mình vài cây xanh. Mỗi khi vào mùa hè cháy nắng, tôi xách nước, tưới và cầu nguyện cho chúng. Chúng cao gần chín mét sau hai năm, nhưng là những thân cây luôn dựa dẫm vào bàn tay người chăm bẵm. Chỉ cần một ngọn gió lạnh lướt qua, chúng đã run rẩy và đánh cành lập cập – trông chẳng khác gì những kẻ yếu đuối!
Những cây trồng của bác sĩ Gibbs rất ngộ nghĩnh và thú vị. Nghịch cảnh và sự túng thiếu lại khiến nó phát triển mạnh mẽ và tự lập, những điều mà sự thuận lợi và dễ dàng có thể chẳng bao giờ đem lại cho chúng.
Hằng đêm trước khi đi ngủ, tôi vẫn thường ghé phòng hai đứa con trai và ngắm nhìn chúng ngủ ngon lành. Nhìn thân thể nhỏ bé đang phập phồng nhịp thở của cuộc sống, tôi luôn cầu nguyện cho chúng có cuộc sống dễ chịu: “Xin Chúa đừng để bọn trẻ gặp gian khổ”. Nhưng gần đây, tôi chợt nghĩ đã đến lúc cần phải thay đổi lời nguyện cầu ấy.
Phải thay đổi vì chúng ta không thể tránh khỏi những cơn gió lạnh thấm vào tận tâm can. Tôi biết chắc các con mình rồi sẽ phải đương đầu với gian lao, thử thách, vì vậy lời cầu nguyện trước kia của tôi sao ngây thơ quá đỗi. Đâu đó trong cuộc đời vẫn luôn có những ngọn gió rét buốt thổi qua.
Vì vậy tôi sẽ thay đổi lời cầu nguyện của mình. Dù muốn hay không, cuộc đời bao giờ cũng lắm chông gai. Tôi cầu mong cho “gốc rễ” của con mình sẽ bén thật sâu, để chúng có thể hút được sức mạnh từ những suối nguồn còn tiềm ẩn nơi Thượng đế vĩnh hằng.
Chúng ta đã nhiều lần cầu xin sự an lành, nhưng rất hiếm khi những ước muốn ấy được thỏa nguyện. Điều chúng ta cần là cầu sao cho gốc rễ của ta ăn sâu vào nguồn sống vĩnh hằng đó, để khi mưa giông, bão tố, chúng ta sẽ không bao giờ gục ngã.
Sức mạnh của chúng ta bắt nguồn từ trong chính sự yếu đuối của mình.
– Ralph Wildo Emerson
Những chiến binh tí hon
Tôi dự định chuyển đội quân nhỏ của mình đến một nơi tốt hơn tuyến lửa này. Là một người mẹ đơn thân 27 tuổi, một nách bốn đứa con thơ, tôi quen với ý nghĩ rằng tôi đích thị là một nhà lãnh đạo can trường chăn dắt lũ con của mình.

Thật ra thì đời sống của chúng tôi có khác gì đang trong một trại huấn luyện tân binh quân dịch đầy khắc nghiệt đâu? Cả năm mẹ con chúng tôi phải chen chúc trong một nơi kín bít bùng – một căn hộ có hai phòng ngủ ở bang New Jersey – sống đời sống với những quy định nghiêm ngặt tự đặt ra.
Tất cả đều khiến tôi bất đắc dĩ phải nhận lãnh vai trò của người tổng chỉ huy đội quân của mình. Nhiều đêm, tôi thao thức trên giường hoạch định những chiến lược làm sao để cuộc sống của các con tôi đầy đủ hơn.
Bà chủ nhà hứa sẽ sửa sang lại mọi thứ trong vòng một tháng. Tôi đồng ý về việc sửa chữa và trả ngay bằng tiền mặt cho bà số tiền thuê của tháng đầu tiên và luôn cả tiền bảo vệ an ninh, rồi vội vã ra về báo cho “lính” của tôi biết rằng chúng tôi sắp chuyển chỗ ở. Lũ nhóc rất phấn khởi. Đêm đó tất cả chúng tôi nằm co cụm trên giường, tính toán những điều phải làm cho tổ ấm mới.
Sáng hôm sau, tôi thông báo cho người chủ nhà nơi chúng tôi đang ở rồi bắt đầu gói ghém đồ đạc. Chúng tôi chất những thùng đồ một cách chính xác giống như một cái máy đã được vô dầu mỡ trơn tru. Nhìn đội quân của tôi làm việc, lòng tôi cũng thấy ấm áp.
Và rồi tôi nhanh chóng nhận ra sai lầm chết người của mình. Tôi đã không có chìa khóa của căn nhà này. Rồi hết ngày này qua ngày khác, với những cú điện thoại không người trả lời và những lần kiếm cách đột nhập vào căn nhà đều thất bại, tôi bắt đầu phát hoảng. Tôi dò hỏi mọi người xung quanh đồng thời gọi điện thoại cho công ty địa ốc hỏi thăm tình hình. Họ cho biết là ngôi nhà này đã có người khác thuê. Tôi đã bị lừa.
Lòng nặng trĩu, tôi đưa mắt nhìn những khuôn mặt háo hức của các con mình và cố tìm lời để nói với chúng về tin chẳng lành này. Chúng đón nhận một cách bình thản mặc dù bản thân tôi thì chỉ muốn khóc vì thất vọng.
Với tâm trạng não nề của kẻ bại trận, tôi lại phải đối mặt với những khó khăn còn tồi tệ hơn nữa. Bao nhiêu tiền tôi có đã dốc sạch cho nơi ở mới này rồi, còn đâu nữa để tính chuyện đi thuê nơi khác. Mẹ tôi rất muốn giúp đỡ, nhưng nơi căn hộ nhỏ bà đang thuê, người chủ nhà không cho phép trẻ con cùng ở. Tuyệt vọng, tôi quay sang nhờ một người bạn giúp đỡ. Chị ấy cũng là một “cựu chiến binh” như tôi: một mình nuôi năm đứa con và cũng đang vật lộn với cuộc sống không khác gì tôi. Chị ấy cố gắng hết sức để chứng tỏ lòng hiếu khách. Nhưng chín đứa trẻ cùng sống trong bốn căn phòng. Bạn thử hình dung xem.
Sau ba tuần, tất cả đều không thể chịu nổi. Chúng tôi phải ra đi. Chẳng còn sự lựa chọn nào khác và tôi cũng chẳng biết làm gì hơn. Chúng tôi phải cuốn gói thôi. Tôi gom hết đồ đạc, nhét những quần áo ấm của mấy mẹ con vào cốp sau chiếc ô tô Escort màu vàng của mình và thông báo cho những chiến binh tí hon rằng giờ đây chúng tôi không có nơi nào để trú chân ngoài chiếc xe hơi.
Hai con trai tôi, đứa lên 6 và đứa lên 10, nhìn tôi và chăm chú lắng nghe.
“Tại sao chúng ta không ở nhà bà hở mẹ?”, đứa lớn nhất hỏi. Theo sau câu hỏi đó là một lô một lốc các đề nghị của những đứa khác về các nơi mà chúng tôi có thể ở. Với mỗi lời đề nghị, tôi đều phải cho chúng biết sự thật khắc nghiệt.
“Mỗi người đều có cuộc sống riêng, các con ạ. Chúng ta phải tự giải quyết việc này. Chúng ta có thể làm được mà!”
Nhưng nếu như thái độ ra vẻ can đảm của tôi làm chúng yên tâm thì những lý lẽ đó không thể lừa phỉnh được tôi. Tôi cần phải có thêm sức mạnh. Mà tôi biết trông cậy vào ai bây giờ?
Trời bắt đầu sụp tối, tôi tập hợp những chiến binh tí hon của tôi lại và hành quân về phía chiếc xe của mình. Đám trẻ bình tĩnh và ngoan ngoãn vâng lời, nhưng đầu óc tôi lại cứ tập trung vào “tình hình chiến sự ác liệt” trước mắt. Tôi có nên làm thế này với các con mình không? Mà thực ra tôi có thể làm gì khác được bây giờ?
Thật bất ngờ, chính đội quân nhỏ của tôi đã mang cho tôi nguồn sức mạnh mà tôi đang cần. Bốn tuần kế tiếp chúng tôi phải sống trong xe hơi, tắm rửa tại nhà mẹ tôi vào buổi sáng và ăn uống tại những quầy thức ăn nhanh, ấy thế mà bọn trẻ lại tỏ ra thích thú với lề thói kỳ quặc này.
Khi tôi kiếm đủ tiền để thuê một căn hộ thì không nơi nào chấp nhận bốn đứa trẻ, vì thế chúng tôi đăng ký ở trọ tại khách sạn. Thật tuyệt vời chẳng khác gì một kỳ nghỉ phép trong quân đội. Chúng tôi hồi hộp, mừng vui khi có hệ thống sưởi, những chiếc giường và cảm giác an toàn. Chúng tôi lén đem khẩu phần ăn của mình vào nấu nướng và học cách chuẩn bị những bữa ăn ngon miệng bằng cái lò hai bếp. Chúng tôi làm lạnh những món bơ sữa bằng bồn tắm. (Bởi khách sạn có rất nhiều đá.)
Cuối cùng, sau nhiều tháng, người chủ căn nhà hứa cho thuê trước đã gửi một lệnh phiếu trả lại tất cả số tiền của tôi và hết lời xin lỗi. Tôi đã dùng số tiền này tìm thuê một căn hộ khác.
Chuyện đó xảy ra cách đây 13 năm. Giờ đây tôi đang chia sẻ quyền chỉ huy với người chồng mới của tôi, và cùng nhau chăm sóc các con chúng tôi trong một ngôi nhà rộng tuyệt vời. Mỗi sáng, khi tôi đi kiểm tra đội quân của mình – giờ đã rất cao lớn – tôi nhớ đến sự tuyệt vọng ngày nào, kẻ thù khủng khiếp mà chúng tôi đã cùng nhau chiến đấu và chiến thắng. Tôi cảm tạ Ơn Trên đã ban cho tôi những chiến binh tí hon này: đội quân bé nhỏ lì lợm, dũng cảm – những chiến binh chẳng bao giờ chùn bước trong cuộc hành quân ghê gớm đó. Lòng can đảm của chúng chính là chất liệu làm nên sự vĩ đại nhất của các anh hùng.
Mỗi người đều có thể trở nên vĩ đại… chỉ cần trái tim bạn chan chứa lòng khoan dung, và tâm hồn bạn luôn tràn ngập tình yêu thương.
– Martin Luther King
Vượt qua bức tường câm lặng

Tôi vốn được gán cho biệt danh là “thằng nhóc đáng ghét” bởi tôi thường không thực hiện đúng yêu cầu của bác sĩ trị liệu. Tôi còn có vẻ như rất bất trị chỉ vì tôi hoàn toàn không hợp tác với các bác sĩ của mình, kết quả là sau nhiều năm áp dụng các phương pháp trị liệu, tôi vẫn chưa thể đi lại, nói chuyện hay cử động tay chân.
Đôi lúc tôi tự hỏi, tại sao mình phải nỗ lực nhỉ? Cô Neff đã từng nói với cha mẹ tôi rằng: “Chúng tôi luôn cố gắng làm tất cả những gì co thể, tất cả những gì chúng tôi đã áp dụng với những trường hợp tương tự, và nếu vẫn không có kết quả, chúng tôi sẽ tìm kiếm một phương án mới”. Nhưng tất cả các phương pháp, từ cổ truyền đến tân tiến đều chẳng ăn thua gì với tôi.
Hôm ấy, dù không phải giờ trị liệu của mình, tôi vẫn bị đẩy vô văn phòng của cô Neff. Tôi sợ chết điếng và không khỏi hoang mang. Mình lại làm gì sai đây? Họ đã bó tay với chứng bệnh của mình rồi chăng? Hay là mình sắp bị đuổi khỏi trường? Tôi cảm thấy vô cùng ngột ngạt.
Cô Neff đặt tôi ngồi trước bàn cô, còn cô ngồi phía sau bàn, trên một chiếc ghế không tay vịn. Thay vì la mắng tôi như tôi vẫn tiên đoán, cô cho tôi xem vài tấm hình được sao bằng máy rônêô, trên đó là hình của một vật gì đó từa tựa như cái súng cao su dáng lớn nhưng có vẻ kém sắc sảo bị bào tròn ở phần được phân nhánh. Tôi thấy nó thật là lố bịch. Rồi cô cho tôi xem hình một đứa nhóc đang đánh máy với dụng cụ kỳ cục đó được gắn trên đầu.
Thì ra trong thời gian hội nghị giáo viên diễn ra năm đó, cô Neff cùng với một nhà trị liệu về ngôn từ, nhà trị liệu về thể chất và cô Clanton – giáo viên mới của lớp tôi – đã tham dự thêm một cuộc họp nữa tại một ngôi trường đặc biệt khác ở thành phố Iowa. Tại đây, họ đã thấy một sinh viên dùng dụng cụ này để ghi chép bài học.
“Đây là công cụ trị liệu ngôn từ”, cô Neff nghiêm nghị nói, “chứ không phải là đồ chơi hay vũ khí. Chúng tôi nghĩ em có thể sử dụng nó nếu em muốn nhưng sẽ rất khó khăn đấy. Nếu tôi thấy em dùng nó để đâm thọc ai đó thì tôi sẽ tịch thu ngay, hiểu không?”.
Tôi khó nhọc gật đầu.
Cô nói tiếp: “Tại cuộc họp phụ huynh sắp tới, tôi sẽ hướng dẫn để mẹ em về nhà tập thêm cho em những bài tập luyện cơ cổ. Tôi khuyên em nên tập ở nhà vào mỗi sáng vì lúc đó em còn thấy khỏe. Sẽ mệt đấy, nhưng em có thể làm được”.
Sau khi cô Neff thuyết giáo với tôi xong là đến lượt cô Clanton. Khác với những bác sĩ trị liệu khác, vị bác sĩ này chưa từng chứng kiến nhiều thất bại của tôi nên cô chỉ nói một câu đơn giản: “Tôi nghĩ em làm được mà, phải không?”.
Tôi khẽ gật đầu. Thế là cuộc hành trình thoát khỏi sự biệt giam của tôi bắt đầu. Mỗi sáng tôi đều thực hiện những bài tập cơ cổ trước khi đến trường. Sau khi gia đình một người bạn làm giúp tôi một cái máy trị liệu, tôi đã sử dụng dụng cụ đó để lật những trang sách đóng gáy lò xo, để chỉ vào hàng chữ trên tấm bảng ngôn ngữ rất phức tạp do bác sĩ trị liệu ngôn từ đưa ra, và dĩ nhiên để tập cả những bài tập cổ “ngộ nghĩnh”. Thật không thể mô tả cảm giác ngây ngất trước những thành công đầu tiên trong đời mình. Cứ như một giấc mơ vậy! Trước khi có dụng cụ trị liệu ấy, mọi biện pháp các bác sĩ thử cho tôi đều không hiệu quả vì tôi không hợp tác, nên đã phải bỏ cuộc vì tuyệt vọng. Nhưng giờ đây mọi sự đã khác!
Tôi hoàn toàn tin vào cô ấy. Nếu cô bảo rằng tôi có thể bay, thì tôi cũng chẳng ngần ngại gì mà không nhảy ra khỏi tòa nhà Empire State, đập mạnh đôi tay khẳng khiu của mình cho đến khi nào rơi xuống vệ đường mới thôi. Cô ấy vừa là bạn mà cũng là một người thầy. Tôi còn nhớ cô đã cùng chơi bóng chày với lớp tôi như thế nào để “đền bù” lại một giờ nghỉ giải lao buồn tẻ mà chúng tôi đã phải ngồi trong im lặng để xem một vở kịch câm. Vì vậy tôi cố gắng hết sức để làm vui lòng cô, không để tâm lắm đến thất bại trong phương án điều trị mới này.
Giáo viên và các bác sĩ trị liệu của tôi cho rằng tôi rất thông minh bởi vì họ đã quan sát đôi mắt tôi, để ý những biểu hiện trên gương mặt tôi mỗi khi tôi chăm chú nghe giảng. Nhưng cô Clanton lại nói với cha mẹ tôi rằng: “Chúng tôi không có cách nào để kiểm tra kiến thức mỗi môn học của cậu bé cả”.
Đỉnh cao của cuộc phiêu lưu này là khi cô Neff đặt tôi vào chiếc ghế tựa có tay vịn. Cô ấy phải buộc chặt tôi vì tôi không thể tự giữ thăng bằng. Rồi cô ấy dùng một miếng vải để cột một cây bút trên đầu tôi, sau đó cô đẩy tôi đến chỗ đặt một chiếc máy đánh chữ màu đen cổ lỗ sĩ. Tôi cược là cái máy ấy từng được Thomas Edison sử dụng.
Cô Neff bảo tôi mở cái máy cũ kỹ đó ra. Thật ngạc nhiên, tôi làm được một cách nhanh chóng! Cô bảo tôi đánh máy tên mình. Tôi cũng làm được. Cô bảo tôi gõ các ký tự alphabet, tôi cũng làm tốt. Cùng lúc đó, các bác sĩ trị liệu về ngôn ngữ và thể chất cùng cô Clanton cũng đã được mời đến phòng trị liệu chức năng và lặng lẽ chia sẻ vinh quang với tôi.
Mọi người tập trung trong căn phòng cũ kỹ không có cửa sổ – kể cả bản thân tôi – nghĩ rằng khả năng giao tiếp của tôi tới đó là hết mứ c. Nhưng chúng tôi đã lầm. Năm thá ng trôi qua khả năng giao tiếp của tôi phong phú hơn và phát triển nhờ đang sống trong kỷ nguyên vi tính.
So với việc chinh phục ngọn Everest hay vượt đại dương bằng bè gỗ thì cuộc hành trình của tôi thật nhỏ nhoi nhưng đối với tôi, đó là cả một kỳ tích. Nhờ đó, Thượng đế có thể giúp tôi chinh phục những ngọn núi cao hơn và vượt qua được đại dương rộng lớn. Vì giờ đây, Người đã giúp tôi phá vỡ biên giới câm lặng đã giam giữ tôi suốt 11 năm trời.
Không gì ngăn được người có thái độ đúng đắn đạt được mục đích của mình; và không gì có thể giúp kẻ có thái độ sai lệch đạt được điều đó .
– Thomas Jef erson